(VOV5) - Bên cạnh nỗ lực “xanh hóa”, xu hướng kết nối hệ thống cảng biển xanh với hệ thống vận tải thủy cũng giúp phát huy các lợi thế vận tải hàng hóa tại Việt Nam.
Phát triển, kết nối mô hình cảng xanh là xu hướng nằm trong chuỗi dịch vụ logistics tại Việt Nam, được thí điểm từ năm nay, trước khi trở thành tiêu chí áp dụng bắt buộc từ sau năm 2030. Trong xu thế đó, các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ, nơi có nhiều lợi thế về vận tải biển, đã và đang tích cực triển khai theo mô hình cân bằng giữa nhu cầu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Cảng xanh tại Việt Nam được xây dựng trên 6 nhóm tiêu chí chính, gồm: Nhận thức về cảng xanh; sử dụng tài nguyên; quản lý chất lượng môi trường; sử dụng năng lượng; ứng dụng công nghệ thông tin; giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Để được xem xét công nhận cảng xanh, cảng biển phải đạt được ít nhất 60% số điểm của các tiêu chí này.
Cảng quốc tế Gemalink - Ảnh: TTXVN |
Cảng Tân Cảng - Cát Lái, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh là cảng đầu tiên tại Việt Nam đạt danh hiệu Cảng xanh của Hội đồng mạng lưới dịch vụ cảng châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào năm 2018. Đây là cảng biển lớn và hiện đại nhất Việt Nam với quy mô 160 ha bãi và hơn 2.000 mét cầu tàu, thiết bị xếp dỡ và công nghệ quản lý tiên tiến, đứng trong tốp 21 cảng container lớn và hiện đại trên thế giới. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, năm 2021, Cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép đã được Hội đồng mạng lưới dịch vụ Cảng APEC trao giải thưởng Cảng xanh 2020, trở thành cảng thứ hai của Việt Nam đạt giải thưởng này.
Một điển hình “xanh hóa” khác là Cảng quốc tế Gemalink, thuộc cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Ông Đỗ Công Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần Cảng Gemalink, cho biết Gemalink đang ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến, như: dàn siêu cẩu bờ 8 chiếc STS của Hàn Quốc, dàn 24 cẩu E-RTG sử dụng 100% điện lưới, được vận hành bán tự động, tích hợp công nghệ kiểm soát linh hoạt và cabin điều khiển thông minh, đồng bộ với phần mềm quản lý cảng hiện đại. Nhờ đó, Gemalink thu hút các hãng tàu bởi các tiêu chí phát triển xanh, giảm ảnh hưởng đến môi trường. Đây cũng là xu hướng phát triển cảng xanh để thu hút được nhiều hãng tàu cập cảng.
Theo ông Bùi Văn Quý, Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Đông Nam Á, ngành vận tải biển đang chiếm khoảng 3% tổng phát thải carbon toàn cầu, thải hơn 940 triệu tấn CO2 mỗi năm. Do đó, xu thế phát triển cảng biển theo tiêu chí xanh là yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, việc xanh hóa cảng biển tại Việt Nam còn gặp khó khăn do việc đầu tư cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường, phòng ngừa và ứng phó sự cố trong hoạt động hàng hải tại các cảng biển còn hạn chế, đòi hỏi nguồn kinh phí lớn.
Cổng ra vào Cảng quốc tế Long An - Ảnh: Nguyễn Vỹ |
Để giải quyết vấn đề này, bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch Công ty Western Pacific, phân tích: “Đầu tiên là định hướng đầu tư cơ bản từ phía Chính phủ, tạo sức hút các nhà đầu tư về các nhà máy, các hệ thống và khi đủ nguồn hàng thì sẽ thu hút các hãng tàu đến cảng. Về nhu cầu, cảng biển không chỉ phục vụ cho hàng hóa xuất nhập khẩu, mà với địa thế của Việt Nam trải dài, thì việc kết nối các địa phương trong vùng thông qua các cảng biển là rất quan trọng, là yếu tố then chốt. Vì thế, tôi nghĩ việc đầu tư về cảng biển, hạ tầng cảng biển không chỉ tập trung vào các nhà đầu tư cá nhân, các doanh nghiệp tư nhân hay nước ngoài, mà cần định hướng đầu tư ban đầu từ phía Chính phủ để tạo sức hút”.
Bên cạnh nỗ lực “xanh hóa”, xu hướng kết nối hệ thống cảng biển xanh với hệ thống vận tải thủy cũng giúp phát huy các lợi thế vận tải hàng hóa tại Việt Nam. Đơn cử, sau 8 năm đi vào hoạt động, cảng Quốc tế Long An đã có nhiều đột phá trong vận tải đường thủy, từng bước khẳng định là trung tâm đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa của khu vực, góp phần tạo tiền đề mở rộng hành lang logistics thủy nội địa, kết nối kinh tế ven biển sang các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đồng Tâm, cho biết: “Dự án xây dựng cảng Long An không chỉ phục vụ cho Long An mà chiến lược của chúng tôi là cho cả đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh dự án hệ thống vận tải đường sông, vận chuyển hàng hóa khu vực ĐBSCL với đường sông chi phí sẽ thấp, cạnh tranh với đường bộ, góp phần để các doanh nghiệp khu vực ĐBSCL có được chi phí thấp nhất”.
Theo bà Hồ Thị Thanh Hòa, Viện trưởng Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam, để nắm bắt được các cơ hội trong tương lai, các tỉnh thành trên cả nước có cảng biển cần nghiên cứu các mô hình hoạt động của các cảng trên thế giới, tăng cường kết nối hàng hải. Đặc biệt, cần tăng cường chuyển đổi số dịch vụ logistics, phát triển cảng xanh nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động cung cấp dịch vụ cho khách hàng.