(VOV5) - Việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa là hết sức quan trọng, đặc biệt là việc hỗ trợ, đưa các doanh nghiệp, hộ nông dân tham gia vào các sàn thương mại điện tử.
Dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu mà còn gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển hàng hóa thương mại. Trong bối cảnh nền kinh tế, hoạt động xuất khẩu, chuỗi cung ứng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thị trường nội địa với quy mô gần 100 triệu dân, được xem là cơ sở để doanh nghiệp khai thác vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Dịch COVID-19 đã khiến người dân có tâm lý thu hẹp chi tiêu, mua sắm. Các mặt hàng không thiết yếu và dịch vụ giải trí bị ảnh hưởng nặng nề. 9 tháng năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng ước giảm 3,38% so với cùng kỳ. Giải pháp kích cầu quan trọng nhất lúc này là các doanh nghiệp cần bảo đảm chất lượng hàng hóa và tăng ưu đãi cho khách hàng, doanh nghiệp cũng phải có ý thức sản xuất ra hàng hóa chất lượng cao.
Dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh song không có tình trạng khan hiếm hàng hóa, tại các siêu thị, người dân rất yên tâm mua sắm. |
Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thương mại cho rằng cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, công khai minh bạch. Muốn kích cầu thị trường nội địa cần phải xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối, đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, tạo ra mối liên kết giữa các doanh nghiệp, các địa phương để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. "Trước mắt phải thiết lập nhiều chuỗi phân phối sản xuất, phân chia lợi nhuận, quản lý chất lượng và thành lập các hệ thống dự trữ chiến lược về hàng hóa thiết yếu. Một vấn đề nữa, tăng cường quản lý chất lượng trong chuỗi giá trị, xây dựng các kho dự trữ chiến lược giảm các chi phí logistic vận chuyển. Chúng ta phải làm công tác kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, tổ chức tốt hệ thống phân phối làm cho siêu thị phát triển văn minh, làm ăn tử tế, tạo sự liên kết trong chuỗi giá trị, hợp lý công bằng mang tính chia sẻ, nhân văn..."
Trong bối cảnh hiện nay, kết nối chuỗi sản xuất phân phối, kết nối cung cầu, kết nối giao thương giữa các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh triển khai. Như tại Hà Nội, Thành phố sẽ đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh và khôi phục tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn bình thường mới. Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hà Nội cho biết:
"Chúng tôi đang chuẩn bị xây dựng kế hoạch phục vụ Tết trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội và phù hợp với cấp độ dịch, tập trung đẩy mạnh các chương trình kích cầu, xúc tiến thương mại để thúc đẩy tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố Hà Nội, tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương để theo dõi sát diễn biến dịch, ứng phó của các quốc gia để có biện pháp thích hợp tìm kiếm đầu ra cho xuất khẩu hàng hóa và đẩy mạnh thương mại điện tử phục vụ nhu cầu của nhân dân".
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương nhìn nhận, việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa là hết sức quan trọng, đặc biệt là việc hỗ trợ, đưa các doanh nghiệp, hộ nông dân tham gia vào các sàn thương mại điện tử: "Việc kết hợp giữa hai phương thức phân phối hiện đại và phương thức phân phối truyền thống đã được khẳng định vai trò, đây là một xu thế tất yếu và căn cơ trong tình hình mới, phải kết hợp giữa hai phương thức phân phối cũng như đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, sản phẩm địa phương qua thương mại điện tử.”
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương sẽ theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa thông suốt trên địa bàn cả nước. Bộ Công Thương sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với các nhà phân phối, các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước ở các địa phương.
"Dự kiến năm 2021 này, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 3 - 4% so với năm 2020. Từ nay đến cuối năm, ngành công thương tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất lớn, nhằm khôi phục nhanh nhất các hoạt động sản xuất, duy trì chuỗi cung ứng, đặc biệt là tận dụng thời điểm nhu cầu hàng hóa tăng cao trong dịp cuối năm, tăng tốc sản xuất kinh doanh để bù đắp cho những tháng vừa qua khi bị dịch bệnh.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cùng với nâng cao chất lượng hàng hóa, doanh nghiệp cần có chiến lược bài bản trong việc xây dựng thương hiệu để giữ vững thị trường, đây cũng là dịp để hàng Việt khẳng định được vị thế, chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong nước. Với dân số gần 100 triệu dân, thời điểm này rất cần đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tạo ra mối liên kết giữa các doanh nghiệp, các địa phương để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, khai thác hiệu quả thị trường nội địa, tận dụng cơ hội bình thường mới giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển.