(VOV5) - Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long kiến nghị cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đúng đối tượng, đáp ứng yêu cầu thiết thực.
Tổng cục Thống kê mới công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I/2021. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 4,48% so với cùng kỳ, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia kinh tế đánh giá cao những nỗ lực trong điều hành của Chính phủ, song để đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay cần tiếp nhiều nỗ lực hơn nữa.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long kiến nghị cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đúng đối tượng, đáp ứng yêu cầu thiết thực để thúc đẩy động lực tăng trưởng trong thời gian tới: "Động lực quan trọng là những động cơ của tăng trưởng đó là tất cả các thành phần kinh tế đều phải phát huy. Trong bối cảnh tình hình đó những giải pháp mà Chính phủ đề ra rất nhiều, cụ thể nhưng một vấn đề quan trọng có hiệu quả thực thi các chính sách đó, cần có kiểm tra, thanh tra và giám sát phải thực sự có hiệu quả và người thực thi quyền, trách nhiệm rõ ràng."
Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng: "Tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn chủ yếu phụ thuộc vào xuất khẩu, năm nay thì các chính sách tài khóa tiền tệ của Việt Nam sẽ đóng vai trò ít quan trọng hơn so với năm ngoái. Việt Nam năm ngoái ký hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là hiệp định EVFTA được kỳ vọng nó sẽ phát huy hiệu quả trong năm nay, các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam họ cũng chỉ hướng đến xuất khẩu, đây là thế mạnh của mình, cái đó tôi nghĩ rằng sẽ đóng góp chính vào tăng trưởng trong năm nay".