(VOV5) - Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị đầu tiên trong cả nước triển khai chương trình bình ổn thị trường. Qua 15 năm thực hiện chương trình này, người tiêu dùng thành phố mua hàng tiêu dùng thiết yếu với chất lượng tốt, giá cả ổn định.
|
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khảo sát nguồn hàng bình ổn thị trường trong hệ thống Saigon Co.op (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN) |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Qua 15 năm triển khai (2002-2017), Chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đạt được mục tiêu quan trọng nhất là góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa thiết yếu cho người dân, đặc biệt là người lao động thu nhập thấp. Chị Nguyễn Thị Mỹ, công nhân tại Khu Chế xuất và khu công nghiệp Linh Trung 1, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, chia sẻ: “Giá cả hàng hóa thiết yếu ổn định và phù hợp hơn, tạo điều kiện cho người dân mua sắm tiết kiệm. Chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp bình ổn mỗi năm được cải tiến, người dân tin tưởng”.
Từ hơn 240 điểm bán hàng bình ổn đầu tiên, đến nay, thành phố có hơn 10 nghìn 550 điểm bán hàng bình ổn phủ kín 24 quận, huyện, đảm bảo hàng bình ổn đến tận tay người tiêu dùng. Lúc đầu, chương trình có 2 doanh nghiệp tham gia với một số ít mặt hàng, nhưng đến nay có 86 doanh nghiệp tham gia với hơn chục mặt hàng như: gạo, dầu ăn, đường, sữa, trứng… Nhờ thực hiện tốt chương trình bình ổn thị trường nên 15 năm qua, thành phố Hồ Chí Minh không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Cũng nhờ tham gia Chương trình Bình ổn thị trường, nhiều doanh nghiệp đã phát triển được mạng lưới phân phối, xây dựng thương hiệu. Điểm nổi bật của chương trình này là các doanh nghiệp tham gia chương trình không chỉ sản xuất, cung ứng và phân phối hàng hóa mà còn liên kết với các nhà sản xuất khác để mở rộng quy mô, tạo nguồn cung hàng hóa dồi dào, chất lượng ổn định để cung cấp cho thị trường.
|
Người tiêu dùng chọn lựa hàng bình ổn giá tại siêu thị Co.op Mart (Ảnh: nhandan.com.vn) |
Ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Liên minh Hợp tác xã Thương mại Sài Gòn (Sài Gòn Co.op), cho biết: “Tôi có chính sách đầu tư vào các nhà xuất tốt uy tín, đặc biệt trong lĩnh vực rau, củ quả thực phẩm cho người dân vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa cân đối đầy đủ nguồn hàng bình ổn”.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả của Chương trình Bình ổn thị trường trong thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục xây dựng và tạo nguồn cung ổn định với những mô hình sản xuất lớn, chi phí thấp và chất lượng chuẩn hóa. Thành phố đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại, kết hợp giữa hệ thống phân phối truyền thống và hiện đại, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng hạ tầng thương mại. Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Chúng ta đang tập trung vào chất lượng của nguồn hàng, chất lượng sản phẩm. Sở Công thương đang làm truy suất nguồn gốc thịt lợn, sắp tới sẽ làm với thịt gà và rau củ, quả. Hàng bình ổn sẽ mang chất lượng sản phẩm đầy đủ tiêu chuẩn”.
Trong năm 2017, chương trình bình ổn thị trường của Thành phố tiếp tục gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Lượng hàng hóa trong chương trình có khả năng cân đối cung - cầu, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng cho người dân Thành phố.