(VOV5) - Các địa phương cần thống nhất các phương án hướng dẫn sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản, chăn nuôi, thủy sản, khôi phục sản xuất hậu COVID-19.
Ưu tiên tiêm phòng vaccine COVID - 19, giảm chi phí xét nghiệm cho lao động làm việc “3 tại chỗ”; khuyến khích nông dân trở lại sản xuất và hỗ trợ lao động trở lại làm việc tại các vùng sản xuất, nhà máy, cơ sở chế biến; tăng cường kết nối thị trường để tránh đứt gãy thêm chuỗi sản xuất là những nội dung được các đại biểu nêu lên tại hội nghị trực tuyến diễn ra sáng 17/9, về bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản sau giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại các tỉnh, thành phố khu vực Nam bộ.
Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức.
Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho sản xuất hậu Covid ở Nam bộ. Ảnh: VOV |
Theo các đại biểu, ngoài tạo thuận lợi trong việc cấp phép đi đường cho các phương tiện giao thông vận tải để giải tỏa ùn ứ sản phẩm hàng hóa từ các vùng sản xuất đến nơi tiên thụ, đến các kho xưởng, nhà máy chế biến; giao hàng đến các bến bãi, cảng biển để xuất khẩu, để vừa chống dịch vừa phục hồi sản xuất, Chính phủ cần có văn bản chỉ đạo các tỉnh thành phố chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng phương án khôi phục sản xuất nông nghiệp theo các kịch bản và phù hợp tình hình dịch COVID-19 tại các địa phương.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam, đề nghị: “Cần nhanh chóng đưa ra các chính sách để thu hút lao động cho các vùng sản xuất nguyên liệu, cụm công nghiệp, khu chế xuất để kéo lao động trở lại khôi phục sản xuất kinh doanh trong tình hình mới. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc đảm bảo cho chuỗi cung ứng không bị đứt gãy”.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, các địa phương cần thống nhất các phương án hướng dẫn sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản, chăn nuôi, thủy sản, khôi phục sản xuất hậu COVID-19, Đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất trong và sau giai đoạn giãn cách nhằm đảm bảo sản xuất, cung ứng nông sản ổn định, lâu dài.