(VOV5) - Nguồn lực quan trọng nhất để công nghiệp hóa là khoa học - công nghệ và nhân lực chất lượng cao.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ, yếu tố quan trọng hàng đầu để phát triển ngày nay không phải là tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực tài chính, mà là trí tuệ, khoa học - công nghệ, ý tưởng đổi mới sáng tạo và chất lượng nguồn nhân lực. Những yếu tố này được xem là một tiềm năng, thế mạnh của người Việt Nam. Để sớm đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trước hết cần có sự thay đổi về tư duy hành động.
Tư duy về công nghiệp hóa ở Việt Nam hiện nay là tư duy về công nghiệp hóa trong nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, tận dụng tốt những điều kiện và thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đi tắt, đón đầu, tạo ra sự phát triển nhảy vọt, phát triển bền vững, bao trùm. Thực tế cho thấy để công nghiệp hóa không chỉ cần có động lực mà cần phải có nguồn lực, trong đó nguồn lực quan trọng nhất là khoa học - công nghệ và nhân lực chất lượng cao.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (giữa) tham quan các gian trưng bày triển lãm về công nghiệp 4.0. - Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: "Tôi vẫn nói nhận thức là đầu tiên. Cần coi Khoa học công nghệ là quốc sách, là động lực, là chìa khóa quan trọng bậc nhất để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững hơn."
Phó Thủ tướng cũng cho rằng để Việt Nam có thể nâng cao các chỉ số và bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển như vũ bão, cần phải tiếp tục thay đổi các cơ chế chính sách cho khoa học công nghệ. Trong tất cả những chính sách đó phải coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo. Những chính sách phải thúc đẩy hơn nữa doanh nghiệp chú trọng đầu tư cho khoa học công nghệ, có nhiều viện nghiên cứu tư nhân hơn…
Thực tế hiện nay cho thấy cách mạng công nghiệp đã 4.0 làm thay đổi toàn bộ phương thức sản xuất, tổ chức xã hội kể cả con người trong các tương tác của tương lai, thay đổi cả cách thức bố trí sản xuất và liên kết trong sản xuất hiện nay.
Các đại biểu tại Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 năm 2019 thảo luận, trình bày nhiều vấn đề quan trọng liên quan tới công nghiệp hóa trong thời đại 4.0 - Ảnh: dangcongsan.vn |
Ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (VIDS), cho rằng với xu thế của toàn cầu hóa và hội nhập, với những tiến bộ của công nghiệp 4.0 đó là kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, là những sản phẩm và vật liệu mới… cần phải thay đổi tư duy về công nghiệp hóa, ngay từ những khái niệm của nó: "Chính phủ cần tính đến câu chuyện làm sao để hướng tới, tạo ra động lực kép, một nền tảng để chia sẻ được với những dữ liệu lớn, với trí tuệ, với toàn bộ câu chuyện khác liên quan đến tiến bộ công nghệ để có sự kết nối. Câu chuyện công nghiệp hòa trong giai đoạn sắp tới là sự chuyển đổi toàn bộ xã hội hướng tới một nền kinh tế hiện đại – với nền tảng là kinh tế số, là những tiến bộ của công nghệ trong tương lai."
Theo ông Nguyễn Văn Vịnh, sự đổi mới cần cụ thể hóa thành những chương trình hành động, những chiến lược, khung pháp lý cụ thể để làm sao các lực lượng sản xuất của quốc gia tham gia vào được quá trình ấy, nghĩa là tham gia được vào các chuỗi trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế… có như vậy thì mới tiến tới thành công việc công nghiệp hóa trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh và liên kết chặt chẽ này.
Trong khi đó, ở góc độ địa phương, để khoa học và công nghệ Việt Nam phát triển tương xứng với tiềm năng và vị trí quốc sách hàng đầu thì điều quan trọng nhất là thay đổi tư duy của người đứng đầu. Ông Đỗ Khoa Văn, Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Hà Tĩnh, cho rằng: "Điều quan trọng nhất là người đứng đầu các cấp, ngành, người đứng đầu ở các doanh nghiệp, các địa phương, viện nghiên cứu đều phải nhìn thấy rõ những vấn đề này để mình tự đổi mới chính mình. Thứ hai nữa là mình phải tiếp cận những yêu cầu đặt ra của cuộc cách mạng công nghệ, để có sự chỉ đạo và hành động đúng đắn với mục tiêu."
Nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định rõ mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; và tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại. Với sự đỏi mới cả trong tư duy và cách làm, Việt Nam sẽ vượt qua được những khó khăn, thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hoàn thành mục tiêu phát triển đã đề ra.