(VOV5) - Chính phủ cũng rà soát toàn diện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đang được triển khai để kịp thời bổ sung nguồn lực cho nền kinh tế.
Sau đại dịch Covid-19, doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới bởi tác động tiêu cực từ những yếu tố bất lợi từ bên ngoài cũng như nội tại. Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển, tháng 4 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghi quyết 58 đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có thêm nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đánh giá của các chuyên gia, tất cả các biện pháp này sẽ là liều thuốc hiệu quả, tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững trong thời gian tới.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, sự khó khăn của nền kinh tế, bao gồm cả phía cung lẫn phía cầu, đang đổ dồn lên doanh nghiệp, buộc nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng kinh doanh để giảm thiểu chi phí hoạt động, chờ đợi cơ hội quay trở lại thị trường. Tình hình trong nước và thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trên thế giới, mặc dù lạm phát đã giảm nhưng vẫn ở mức cao trong năm nay; tăng trưởng ở các nền kinh tế là đối tác thương mại chủ yếu của Việt Nam như Liên minh Châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản… không rơi vào suy thoái nhưng đang giảm tốc khiến cầu tiêu dùng ở các quốc gia này sụt giảm, ảnh hưởng tới triển vọng xuất khẩu của Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - Ảnh: Vietnamnet |
Theo khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, tại thời điểm đầu tháng này, có tới 80% doanh nghiệp đang gặp khó khăn, trong đó số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm hơn 93%. Đây là đối tượng cần được hỗ trợ, khuyến khích phát triển. Các chuyên gia nhận đinh nếu không có những giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả để vực dậy nền kinh tế, doanh nghiệp sẽ tiếp tục rơi vào vòng xoáy khó khăn và số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường sẽ tiếp tục tăng.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: "Các doanh nghiệp hiện nay đang đối mặt với 3 nhóm khó khăn. Thứ nhất là dòng tiền. Thứ hai là khó khăn về thị trường. Yếu tố đầu ra là cực kỳ quan trọng, trong bối cảnh doanh nghiệp chưa có nhiều chuyển biến thì lại phải cạnh tranh thế giới nhiều hơn, hàng rào kỹ thuật nhiều hơn. Thị trường hiện nay đối với doanh nghiệp là vấn đề sống còn. Vấn đề thứ ba là vấn đề lãi suất".
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong - Ảnh: VTC |
Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đánh giá tuy nền kinh tế Việt Nam “trụ vững” trong 3 năm đặc biệt khó khăn vừa qua, song khu vực doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Cùng với đó, một trong những khó khăn hiện hữu là bị “khát vốn”, trong khi các kênh dẫn vốn chính, như: đầu tư công, thị trường trái phiếu, cổ phiếu,… bị tắc nghẽn. Do đó, vấn đề cấp bách lúc này là phải tiếp vốn để doanh nghiệp tiếp tục sản xuất và kinh doanh.
Trong bối cảnh đó, từ đầu năm đến nay, chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển, trong đó có Nghị quyết số 58 ngày 21/4/2023. Nghị quyết đưa ra nhiều giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.
Cụ thể, chính phủ yêu cầu khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước; khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tạo cơ hội, ổn định việc làm cho người lao động; đẩy mạnh triển khai chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động…
Theo ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân, việc ban hành Nghị quyết cũng như các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của chính phủ thời gian qua là rất kịp thời. Để các chính sách đó nhanh chóng đi vào thực tiễn, cần có sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương. Từ những chính sách của Đảng và Nhà nước đến thực tiễn, cần phải có những hướng dẫn cụ thể. Cán bộ công chức, những người thực hiện từ cán bộ cơ sở cần nâng cao tinh thần trách nhiệm vì đó là những người gần doanh nghiệp nhất. Những hướng dẫn, thể chế hóa của bộ, ban ngành phải phù hợp và dài hạn.
Đến nay, ngoài nghị quyết 58, Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp, như: Gia hạn nộp thuế Giá trị gia tăng, thuế Thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất; Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, đồng thời đang xem xét đề xuất giảm thuế Giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đến hết năm 2023. Cùng với đó, Chính phủ cũng rà soát toàn diện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đang được triển khai để kịp thời bổ sung nguồn lực cho nền kinh tế. Cụ thể là hỗ trợ nhà ở cho công nhân, giảm lãi suất 2% cho doanh nghiệp vay xây nhà cho công nhân, có gói tín dụng cho công nhân vay mua nhà ở xã hội qua Ngân hàng Chính sách… Theo các chuyên gia, tất cả các biện pháp này sẽ là liều thuốc hiệu quả, tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững trong thời gian tới.