(VOV5) - Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khả năng này có thể đạt được nếu chúng ta quyết tâm.
Sáng 28/3, tại trụ sở Quốc hội, tiếp tục diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Trong sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày chuyên đề thứ 3 với chủ đề: Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030; Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Hai văn kiện này do Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội XIII khởi thảo cách đây hơn 2 năm, kể từ phiên họp đầu tiên của Tiểu ban vào tháng 11/2018, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban.
Tại hội nghị này, bên cạnh việc đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược 10 năm (2011-2020) và Phương hướng thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội 5 năm vừa qua, Thủ tướng sẽ nêu các nội dung trọng tâm chiến lược 10 năm (2021-2030) và Phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2021-2025); thứ ba là tổ chức thực hiện.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: "Phần thứ 3 này tập trung lưu ý tổ chức thực hiện, là nhiệm vụ các cấp ủy Đảng, chính quyền, các bộ, ngành, địa phương để sớm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng XIII vào thực tiễn đời sống xã hội. Tôi nhấn mạnh việc thực hiện từ Trung ương đến cơ sở là quan trọng nhất. Chủ trương 1, biện pháp 10, kế hoạch 20, đôn đốc thực hiện kiểm tra quyết liệt thì mới thành công. Nghị quyết có hay, chiến lược có tốt, có đúng mà tổ chức thực hiện kém, không quyết liệt, không linh hoạt điều hành thì Nghị quyết và chiến lược không đi vào cuộc sống. Đặc biệt phải sáng tạo, khát vọng để thực hiện. Chúng ta cần hiểu tổ chức thực hiện là cả hệ thống chính trị chứ không phải chỉ các cấp chính quyền".
Trong phần đánh giá về kết quả thực hiện Chiến lược 10 năm (2011-2020) và Phương hướng thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội 5 năm vừa qua, Thủ tướng cho rằng, cần trả lời câu hỏi chúng ta đang ở đâu?
Theo đó, Thủ tướng nêu những thành tựu quan trọng của đất nước 10 năm qua, nhất là 5 năm qua và khẳng định, kết quả đó đạt được không phải là của một nhiệm kỳ cụ thể mà là dưới sự lãnh đạo của Đảng, kết quả đó là sự tích lũy của nhiều nhiệm kỳ, của nhiều thế hệ mọi tầng lớp nhân dân. Kết quả đó có ý nghĩa hơn khi bắt đầu thực hiện chiến lược 10 năm và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm qua, đất nước ta gặp nhiều khó khăn lớn hơn dự báo.
Theo đó, nước ta đã có quy mô GDP 343 tỷ USD, đứng 37 thế giới (từ xếp hạng thứ 55 đầu nhiệm kỳ), 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi. Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng nhất thế giới. Việt Nam cũng là nước có độ mở kinh tế cao, tổng kim ngạch thương mại bằng 200% GDP. Như vậy Việt Nam đã có thứ hạng nhất định trên thế giới.
Thủ tướng cũng đặt vấn đề, GDP bình quân đầu người nước ta đứng thứ 4 ASEAN. Nêu một số khó khăn, vướng mắc, tồn tại, Thủ tướng cho rằng, cần khắc phục trong dài hạn cũng như trong trung hạn và đặt vấn đề, nước ta có thể đứng thứ nhì ASEAN không về quy mô nền kinh tế. Khả năng này có thể đạt được nếu chúng ta quyết tâm.
Vũ Dũng/VOV