(VOV5) - Tại Phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I năm nay tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với 63 địa phương để đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và Quý I, đề ra nhiệm vụ tháng 4 và Quý II, tổ chức sáng nay (03/04) tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm nay.
Tại Phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I năm nay tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Tăng trưởng GDP quý I đạt 5,66%, cao nhất từ 2020, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; xuất khẩu tiếp tục tăng cao, tiếp tục xuất siêu lớn, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán. Nhờ đó, nhiều tổ chức và chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay, dao động từ 6-6,3%.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với 63 địa phương để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 03 và quý I/2024, đề ra nhiệm vụ công tác tháng 4 và Quý 2/2024. Ảnh: VOV |
Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh thời gian tới vẫn còn nhiều thách thức cần phải vượt qua, như: áp lực lạm phát; rủi ro tiềm ẩn từ thị trường tài chính, tiền tệ; một số công trình trọng điểm gặp khó khăn về tiến độ; bất ổn địa chính trị thế giới… Do đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương quyết tâm khắc phục khó khăn, dám nghĩ, dám làm, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng thời bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm triển lành mạnh, công khai, minh bạch các loại thị trường, như: thị trường bất động sản, thị trường vốn…
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VOV |
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung thực hiện “5 đẩy mạnh”, gồm: Đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trên tất cả lĩnh vực, thúc đẩy chuyển dịch kinh tế theo hướng chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ và các ngành, lĩnh vực mới nổi; Đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực xã hội vào đầu tư phát triển; Đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược (về hoàn thiện thể chế; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển thời kỳ mới); Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế và Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, lập nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.