Thúc đẩy các giải pháp về công nghệ để chống thất thu thuế

(VOV5) - Thương mại điện tử ở Việt Nam có những bước phát triển đáng kể bởi những lợi ích to lớn mà hoạt động này mang lại- khi mà tỉ lệ người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến chiếm trên 90%.

Thương mại điện tử ở Việt Nam có những bước phát triển đáng kể bởi những lợi ích to lớn mà hoạt động này mang lại- khi mà tỉ lệ người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến chiếm trên 90%. Tuy nhiên, tiền thuế nộp ngân sách nhà nước từ lĩnh vực này chưa tương xứng với tiềm năng phát triển, gây thất thu ngân sách nhà nước. Các chuyên gia cho rằng, cần hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế nhằm giúp chống thất thu thuế.

Thúc đẩy các giải pháp về công nghệ để chống thất thu thuế - ảnh 1Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương. Ảnh: danviet.vn

Với lợi thế của thương mại điện tử là người bán và người mua không gặp nhau, một người có thể có nhiều gian hàng trên mạng xã hội, nhiều giao dịch vẫn thanh toán bằng tiền mặt… điều này gây khó cho việc quản lý thuế. Do đó, yêu cầu đặt ra là cần hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế nhằm giúp chống thất thu thuế. Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 85 sửa đổi bổ sung Nghị định 52 về thương mại điện tử, hướng tới mục tiêu là thúc đẩy hóa các giao dịch thương mại điện tử đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trên môi trường điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử, hình thành tập quán tiêu dùng thương mại hiện đại tại Việt Nam. 

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương nhấn mạnh: "Thời gian, qua ứng dụng công nghệ số, cũng như việc ứng dụng chuyển đổi số trí tuệ nhân tạo, thì ngành thuế đã đưa vào trong công tác quản lý thuế của mình. Tuy nhiên công nghệ thay đổi liên tục cho nên là trong công tác phối hợp, cũng hy vọng là cơ quan quản lý thuế tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Từ đó để đảm bảo phục vụ hiệu quả trong công tác quản lý thuế, cũng như đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp".

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Thông tin điện tử, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết để đẩy mạnh các ứng dụng trên nền tảng số, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng luôn sẵn sàng phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cũng như các Bộ ngành khác hỗ trợ về các nội dung chuyển đổi số phục vụ cho công tác chuyên ngành. Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Thông tin điện tử, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết thêm: "Cổng E-tax (Thuế điện tử) bắt đầu hoạt động từ 21/3, chúng tôi cũng thường xuyên trao đổi thông tin với bên các đơn vị của Tổng cục Thuế để nắm bắt xem hiện nay các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới đã nộp thuế như thế nào? và cũng sẽ phải cần có thời gian từ giờ đến cuối năm để đối soát được công tác thu thuế có được đầy đủ hay không; cũng như việc các doanh nghiệp kê khai có đúng có đủ chính xác hay không… để các đơn vị cùng rà soát, trao đổi dữ liệu. Khi mà các dữ liệu đã có đầy đủ, các đơn vị hoàn toàn có thể có được những thông tin để đối chiếu, hỗ trợ nhau trong việc thu thuế".

Theo Nghị định 85 sửa đổi bổ sung Nghị định 52 về thương mại điện tử do Bộ Công Thương trình Chính phủ ban hành, tất cả các quy trình đăng ký, thông báo thương mại điện tử được thực hiện trực tuyến và trên Cổng Thông tin quản lý thương mại điện tử này các cá nhân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng như các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan có thể truy cập dữ liệu để có được thông tin về các chủ thể đã được cung cấp dịch vụ hành chính tại Cổng dữ liệu này là dữ liệu mở.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác