(VOV5) - Để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh như đặt ra tại Chiến lược, Việt Nam cần có những bước đi đột phá, quyết liệt hơn nữa
Việt Nam với tiềm năng, vị thế địa kinh tế trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang đứng trước cơ hội rất lớn trong tăng trưởng xanh để có thể bắt kịp, đi tắt đón đầu và tạo đà cho một bước nhảy vọt về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Đây là thông tin đáng chú ý tại Hội nghị “Thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Lộ trình đến thành công” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hôm qua, tại Hà Nội.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Bá Toàn/VOV |
Trong những năm gần đây, tăng trưởng xanh và chuyển dịch xanh đã trở thành ưu tiên trong phát triển kinh tế toàn cầu. Việt Nam xác định tăng trưởng xanh là lựa chọn dài hạn để đảm bảo cân đối, hài hòa mục tiêu giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính với sự phát triển và quy mô ngày càng tăng của nền kinh tế.
Theo ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian tới, Việt Nam sẽ ưu tiên đẩy mạnh triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thông qua xây dựng cơ chế chính sách đầu tư, hoàn thiện chính sách, khuôn khổ pháp lý và nâng cao khả năng tiếp cận nguồn lực đầu tư: "Nguồn lực đầu tư tư nhân đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với các mục tiêu tăng trưởng xanh. Nền tảng cho vấn đề này đó là phân loại xanh quốc gia và phân loại xanh theo ngành, để từ đó xác định được thế nào là dự án tăng trưởng xanh, thế nào lĩnh vực được hưởng các ưu đãi về tăng trưởng xanh của quốc gia... Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với Tập đoàn BCG sẽ tiến hành nghiên cứu, đề xuất Chính phủ ban hành hướng dẫn về phân loại xanh quốc gia cũng như phân loại xanh của các ngành."
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định rõ tăng trưởng xanh là giải pháp quan trọng để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon trong dài hạn.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh như đặt ra tại Chiến lược, Việt Nam cần có những bước đi đột phá, quyết liệt hơn nữa để đưa nền kinh tế xanh từ quy mô hơn 6 tỷ USD năm 2020 lên đến 300 tỷ USD đóng góp mỗi năm vào tổng GDP quốc gia vào năm 2050.