(VOV5) - Về phía doanh nghiệp thủy sản, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm, tập trung chế biến sâu, đầu tư vào chuỗi giá trị để duy trì đơn hàng.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngành thủy sản đang phục hồi, số lượng đơn hàng xuất khẩu đang tăng, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tăng ca để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Cụ thể, thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam là Mỹ được dự đoán sẽ phục hồi từ nửa cuối năm do lạm phát hạ nhiệt, mức tồn kho giảm, nhu cầu phục vụ dịp lễ cuối năm tăng. Điều này giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang nước này kỳ vọng sẽ tăng 40 - 50% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tại thị trường Liên minh châu Âu (EU), việc tiêu thụ cá tra tiếp tục cải thiện và ổn định. Thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, dự báo nhu cầu tăng nhẹ từ cuối quý III.
Xuất khẩu thủy sản đang có những tín hiệu tích cực từ thị trường. |
Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhận định: "Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia là thị trường nhập khẩu các mặt hàng chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao của Việt Nam. Ở những thị trường này chưa bị áp lực cạnh tranh về nguồn cung và giá bán như ở Mỹ, EU hay Trung Quốc. Bên cạnh đó, một số thị trường Đông Nam Á cũng được đánh giá là tiềm năng vì lạm phát thấp hơn và lợi thế về vị trí địa lý ,ưu đãi thuế quan theo các Hiệp định thương mại tự do".
Về phía doanh nghiệp thủy sản, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm, tập trung chế biến sâu, đầu tư vào chuỗi giá trị để duy trì đơn hàng.
Dự báo cuối quý III năm nay, xuất khẩu thủy sản sẽ phục hồi ở mức tương đương năm ngoái. Đây là cơ sở để ngành thủy sản đạt kế hoạch xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm nay (Xuất khẩu thuỷ sản nửa đầu năm nay đạt 4,13 tỷ USD).