(VOV5) - Các doanh nghiệp Australia và nước ngoài đã và đang làm việc tại Việt Nam đều đánh giá cao tiềm năng phát triển ngành công nghệ tài chính tại Việt Nam.
Việt Nam đang trở thành một trong những địa điểm được nhiều nhà đầu tư công nghệ quốc tế, trong đó có thương mại điện tử và công nghệ tài chính-fintech quan tâm do có thị trường lớn và mức độ cập nhật công nghệ cao.
Hội thảo Cập nhật kinh doanh Việt Nam - Cơ hội cho ngành công nghệ tài chính và thương mại điện tử. Ảnh: PV/VOV - Australia |
Tại cuộc hội thảo trực tuyến mới đây do hai cơ quan nghiên cứu tại Australia phối hợp tổ chức, các doanh nghiệp Australia và nước ngoài đã và đang làm việc tại Việt Nam đều đánh giá cao tiềm năng phát triển ngành công nghệ tài chính tại Việt Nam.
Ông Martin Bean, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học RMIT, trường đại học đầu tiên của Australia có trụ sở tại Việt Nam, cho rằng kinh tế số đang phát triển rất mạnh và có nhiều tiềm năng tại Việt Nam: “Trong năm 2020, bất chấp những thách thức từ đại dịch, nền kinh tế số Việt Nam phát triển 60%. Chính phủ Việt Nam cam kết chuyển đổi sang nền kinh tế bằng cách thiết lập nhóm làm việc của các bên liên quan để đưa ra lời khuyên về các vấn đề liên quan đến các chương trình và nền kinh tế số, công nghệ tài chính… Chính phủ Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy xã hội không tiền mặt với mục tiêu là chi tiêu không tiền mặt lên đến hơn 50% vào năm 2025. Thương mại điện tử tại Việt Nam cũng được dự báo sẽ tăng trưởng với mức 30%/năm trong giai đoạn 2021-2025”.
Ông Philip An, người đồng sáng lập công ty Homebase, một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực tài chính bất động sản tại Việt Nam, cho rằng điều đã và đang tạo nên sự khác biệt của Việt Nam chính là chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách này đang mở ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp khởi nghiệp: “Tôi cho rằng Việt Nam là một đất nước rất đặc biệt, không chỉ ở mức độ phát triển của nền kinh tế mà còn ở vị trí địa chính trị khi được định hình là một trong những nền kinh tế nổi bật ở Đông Nam Á. Điều này có thể đạt được là nhờ các chính sách vĩ mô và các xu hướng. Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Những năm tới, thập kỷ tới vẫn còn có rất nhiều cơ hội ở Việt Nam”.
Ý kiến từ các doanh nghiệp cũng khẳng định Việt Nam đã có chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài vô cùng hấp dẫn. Đặc biệt với lĩnh vực công nghệ tài chính và thương mại điện tử thì đây là một thị trường rất nhiều tiềm năng và sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.