(VOV5) - Trong bối cảnh hầu hết các nước được các định chế tài chính quốc tế dự báo giảm tăng trưởng, thì Việt Nam, vẫn có thể đạt mức khá tốt.
9 tháng qua, Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam tăng 4,24%. Kết quả này là điểm sáng trong bức tranh xám màu của kinh tế thế giới. Việt Nam đã ứng phó thành công với những “cơn gió ngược” từ lạm phát toàn cầu đến những thay đổi trong chính sách tài khóa tiền tệ của các nước lớn.
Các vị khách mời tham dự Tọa đàm Kinh tế Việt Nam vượt những "cơn gió ngược" - Ảnh: VGP |
Tại Tọa đàm “Kinh tế Việt Nam – Vượt những cơn gió ngược”, do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hôm qua (5/10), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh tác động của nền kinh tế quốc tế khẳng định sự linh hoạt, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương duy trì đà phục hồi và phát triển kinh tế.
Theo Thứ trưởng: "Chúng ta nhìn thấy các động lực tăng trưởng tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước. Nhờ sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị để chúng ta ứng phó với những cơn gió ngược, từ lạm phát toàn cầu đến những thay đổi trong chính sách tài khóa tiền tệ của các nước lớn… Chúng tôi đánh giá cao những điều hành của ngân hàng nhà nước trong ứng phó điều hành tiền tệ, tỉ giá - đảm bảo thanh khoản toàn hệ thống. Thứ 2 là điều hành lạm phát, giá cả.. thuận lợi cho tăng trưởng. Thứ 3 là đầu tư công, thách thức giải ngân lớn, nhưng đến nay, đây là động lực rất quan trọng cho nền kinh tế với 9 tháng đạt hơn 50%, trong nhiều năm chúng ta mới đạt được. Và rất nổi bật là công tác đối ngoại, hỗ trợ điều hành kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng".
So sánh nỗ lực phục hồi, tăng trưởng của các quốc gia khác, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Vũ Minh Khương, Giảng viên cao cấp trường chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng: "Kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhờ sự chuẩn bị để chống chịu với những tác động khó khăn của kinh tế thế giới. Niềm tin với môi trường kinh tế, thực lực kinh tế Việt Nam tăng lên mạnh mẽ: thứ nhất là điều hành của Chính phủ, truyền lửa và cam kết của Chính phủ, tác động đến cả các ông lớn, như: Samsung, Intel, trong đó tôi đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hỗ trợ Chính phủ rất tốt, bằng chứng là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng. Về điều hành vĩ mô, trong bối cảnh còn nhiều rủi ro nhưng mà điều hành tỉ giá lên – xuống rất tốt. Sự điều hành của Chính phủ giúp tâm thế của các địa phương tăng lên rất mạnh, rất phấn khởi".
Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho rằng: Năm nay, Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng kỳ vọng hoặc tối thiểu 5,8% nhờ kiểm soát lạm phát, tốc độ tăng trưởng đang lấy lại đà, du lịch dịch vụ đang khôi phục, FDI ổn định, nông nghiệp ổn định.
Trong bối cảnh hầu hết các nước được các định chế tài chính quốc tế dự báo giảm tăng trưởng, thì Việt Nam, vẫn có thể đạt mức khá tốt. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng Chính phủ cần linh hoạt hơn nữa trong điều hành kinh tế vĩ mô; tiếp tục cải cách thế chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp… để Việt Nam đủ sức chống chịu với những tác động tiêu cực của kinh tế thế giới.