(VOV5) - Chuyên gia Ấn Độ đánh giá cao việc Việt Nam tổ chức WEF ASEAN 2018.
Quang cảnh buổi Họp báo Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN tại Hà Nội, ngày 6/9 - Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
|
Giáo sư - Tiến sĩ Faisal Ahmed, Chủ nhiệm Khoa Kinh tế quốc tế tại trường Quản lý FORE, là trường đầu ngành về kinh tế ở New Delhi, cho rằng: Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 với chủ đề "ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0", diễn ra từ ngày 11-13/9 tại Việt Nam, sẽ khiến Việt Nam được quốc tế chú ý nhiều hơn và hình ảnh về Việt Nam sẽ được quảng bá tới khắp thế giới. Việt Nam có thể xây dựng lòng tin trên toàn cầu đối với việc mở rộng thị trường của mình, thu hút các luồng đầu tư và cải thiện các chỉ số kinh tế-xã hội khác. Giáo sư Ahmed cho rằng với việc đăng cai WEF ASEAN 2018, Việt Nam đang đi đầu trong việc thúc đẩy văn hóa kinh doanh và trong những nỗ lực tạo việc làm trong và ngoài khu vực.
Giáo sư Faisal Ahmed cho rằng tại diễn đàn lần này, các nước ASEAN cần tập trung thảo luận 3 vấn đề gồm: Căng thẳng địa chính trị ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vốn đang trở thành lực cản đối với phát triển bền vững; Chiến tranh thương mại đang khiến môi trường kinh doanh trở nên khó đoán định và tạo ra những hạn chế cho nhiều nước ASEAN; Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại các nước ASEAN để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Sự kiện này cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với khu vực ASEAN. Nếu sự kiện này đạt được một số kết quả thiết thực trong việc làm giảm những căng thẳng về bên cung cấp ở một số nước ASEAN, Ấn Độ có thể hưởng lợi từ điều này thông qua chính sách "Hành động hướng Đông" năng động của mình.