(VOV5) -Chỉ tiêu tăng GDP năm 2019 đã được tính toán trên cơ sở GDP ước thực hiện của năm 2018 đạt và vượt mức 6,7%
Sáng ngày 8/11, với trên 92% số đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về đánh giá tình hình 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020 về kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách dân tộc thiểu số và miền núi và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Theo đó mục tiêu năm 2019 của Việt Nam là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng...Trong đó, đặt chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6-6,8%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%...
Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành cao (92,16%). -Ảnh minh họa: Quochoi.vn |
Trình bày báo cáo thẩm tra Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Chỉ tiêu tăng GDP năm 2019 đã được tính toán trên cơ sở GDP ước thực hiện của năm 2018 đạt và vượt mức 6,7%. Qua dự báo và các cân đối lớn của nền kinh tế cũng như tham khảo đánh giá của một số tổ chức quốc tế, Chính phủ báo cáo Quốc hội mức tăng GDP 6,6-6,8% cho năm 2019 là bảo đảm tính thận trọng, hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, tiếp tục tạo nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và giải quyết các vấn đề xã hội.
Nghị quyết cũng nêu rõ: Việt Nam tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Thúc đẩy đàm phán, xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Hoàn thiện các điều kiện cần thiết về hệ thống pháp luật để thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); đẩy mạnh vận động sớm ký kết và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Chủ động, tích cực tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương, tiếp tục vận động các nước ủng hộ Việt Nam ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; chuẩn bị tốt cho việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á 2020.
Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. |
Cũng trong sáng nay, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và thảo luận về dự án Luật Kiến trúc. Luật quản lý thuế được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007, từ đó đến nay Luật quản lý thuế đã được sửa đổi, bổ sung ba lần vào các năm 2012, 2014 và năm 2016.
Trình bày Tờ trình dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ: Qua đánh giá thực trạng việc thực thi Luật quản lý thuế và qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, Chính phủ thấy rằng việc sửa đổi Luật quản lý thuế ở thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết, với các lý do sau: Để hoàn thiện thể chế quản lý thuế, thực hiện cải cách hành chính, tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế. Tiếp cận tới các chuẩn mực và thông lệ quốc tế để góp phần thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài, tạo cơ sở để xây dựng hệ thống quản lý thuế hiện đại trong điều kiện hội nhập.
Chiều nay, Quốc hội nghe Báo cáo về việc sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục; Báo cáo thẩm tra và thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).