Việt Nam đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài

(VOV5)- Những năm gần đây, đầu tư trực tiếp của Việt nam ra nước ngoài có xu hướng ngày càng tăng. Đây là hoạt động có tiềm năng, không chỉ giúp cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường đóng góp cho sự phát triển đất nước, mà còn góp phần nâng cao vị thế của Việt nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Tính đến nay,Việt nam đã đầu tư ở 63 quốc gia và vùng lãnh thổ với 891 dự án và tổng vốn đăng ký đạt gần 20 tỷ USD. Trong đó Lào là quốc gia có nhiều dự án đầu tư của Việt nam nhất với 249 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 7,4 tỷ USD, Campuchia đứng thứ 2 với 161 dự án tổng vốn đăng ký đạt 3,4 tỷ USD, Singapo có 55 dự án, Myanmar 22 dự án và Liên bang Nga là 19 dự án. Bên cạnh các dự án tập trung vào lĩnh vực khai khoáng, nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, còn có các dự án thuộc khu vực dịch vụ viễn thông, công nghệ. Điều đáng chú ý là bên cạnh dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước lớn như: Viettel, Vinamilk, các công ty của Tập đoàn FPT, Tập đoàn  cao su Việt nam, các Ngân hàng có vốn nhà nước… đầu tư của khối tư nhân, đặc biệt đầu tư của cá nhân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ra nước ngoài ngày càng tăng.

Việt Nam đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài - ảnh 1
Tổ hợp văn phòng, khách sạn của Tập đoàn HAGL Việt Nam tại Yangon, Myanmar - Ảnh: baodansinh.vn

Những năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt chú trọng đầu tư sang các nước láng giềng như: Lào, Campuchia và Myanmar, thông qua hợp tác kinh tế song phương, nhằm thúc đẩy kết nối kinh tế Việt Nam với các nền kinh tế trong khu vực. Nhiều dự án của Việt Nam đầu tư tại Lào đang được triển khai có hiệu quả như: dự án trồng cây cao su, sản xuất mía đường của Tập đoàn Hoàng Anh Gia lai, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt nam, Công ty cao su Đắc Lắc; dự án đầu tư của Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel); Dự án của Ngân hàng Liên doanh Lào - Việt và một số chi nhánh ngân hàng của Việt Nam tại Lào. Chính phủ hai nước cũng đang tiếp tục triển khai một số dự án lớn, mang tầm chiến lược như, dự án xây dựng đường ống dẫn dầu từ cảng Hòn La, tỉnh Quảng Bình, Việt Nam đến tỉnh Khammuon của Lào, dự án xây dựng đường dây lưới điện từ Xekaman 1 của Lào đến Plây-ku của Việt Nam. Mới đây, ngày 13 tháng 9 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ Việt nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Lào Thoong-xỉnh Thăm-mạ-vông đã dự lễ khởi công Dự án khai thác và chế biến muối mỏ Kali do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam làm chủ đầu tư tại tỉnh Khammuon của Lào. Đây là một trong những dự án đầu tư lớn nhất của Việt Nam ở nước ngoài với số vốn lên tới 522 triệu USD. Phát biểu tại đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “…Việt Nam chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng các dự án đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào không chỉ là hoạt động kinh tế đơn thuần hai bên cùng có lợi mà còn thể hiện sự coi trọng của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam đối với đất nước Lào anh em và mong muốn đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội của đất nước Lào…”

Đối với Campuchia, các dự án đầu tư của Việt nam vào Campuchia chủ yếu là các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. Hoạt động của các dự án đầu tư của Việt Nam vào Campuchia đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội hai nước, nhất là các tỉnh biên giới; tạo việc làm ổn định cho hàng vạn lao động; nhiều hàng nông sản Campuchia xuất sang châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…là do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư.

Tại Myanmar, trong top 30 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Myanmar thì Việt Nam đứng ở vị trí thứ 8 về quy mô đầu tư với tổng vốn đầu tư 513 triệu USD. Các dự án đầu tư của Việt nam vào Myanmar tập trung vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông…Điển hình là Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) đã tham gia đấu thầu vào thị trường viễn thông Myanmar. Tập đoàn FPT cũng thành lập Công ty FPT Myanmar từ năm 2013.

Trong số các  dự án đầu tư ra nước ngoài, Việt nam cũng đã đầu tư sang Liên bang Nga 19 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư là 2,47 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dầu khí, thương mại... Những dự án của Việt Nam sang Liên bang Nga gồm các dự án liên doanh dầu khí Rusvietpetro, Gazpromviet  và dự án Trung tâm thương mại Hà Nội tại Moscow. Việt Nam cũng đã có 2 dự án đầu tư sang Venezuela với tổng vốn đầu tư 1,8 tỷ USD và dự án sang Peru có tổng vốn 1,3 tỷ USD chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng dầu khí, viễn thông. Hiện nay xu hướng đầu tư ra nước ngoài, mở rộng thị trường có xu hướng ngày càng tăng. Ông Trần Kim Chung, Chủ tịch Tập đoàn CT Group, cho rằng đây là những yếu tố tích cực giúp các doanh nghiệp Việt nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong  giai đoạn đất nước hội nhập kinh tế quốc tế: “Xu hướng kinh tế hiện nay là toàn cầu hoá và năm 2015 này cộng đồng kinh tế ASEAN đã là thị trường chung rồi và trong các nước ASEAN việc đầu tư ra nước ngoài đã được thực hiện ráo riết. Nhiều nước tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị chuẩn bị cho việc hội nhập rất cẩn thận, tuy nhiên ở Việt Nam vẫn có những doanh nghiệp chưa chú ý nhiều tới việc ASEAN trở thành thị trường chung,các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài chủ yếu là tự thân vận động,do vậy các doanh nghiệp Việt cũng phải chủ động tích cực chuẩn bị tâm thế cho hội nhập”.

Thực tế hiện nay nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài của Việt nam đang tiến hành có hiệu quả và xu hướng đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài đang có những tín hiệu tích cực.  Đầu tư ra nước ngoài không chỉ đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế đất nước, giúp cho các doanh nghiệp Việt nam mở rộng thị trường ra nước ngoài, mà còn mang lại cơ hội tiếp cận khoa học công nghệ, kinh nghiệm trong  quản lý đầu tư.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác