(VOV5) - Việt Nam đã đề ra 7 mục tiêu giải pháp xóa nghèo bền vững, trong đó tập trung vào 3 nhóm chính sách là hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Tiếp tục ngày làm việc thứ 2 Hội nghị Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững, hôm nay 18/12, tại Đà Nẵng, diễn ra 2 phiên làm việc, tập trung nhận định những thách thức đối với Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và các khuyến nghị, giải pháp. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cùng ông Martin Chunggong, Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới IPU, chủ trì hội nghị.
Hội nghị “Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững” do Quốc hội Việt Nam phối hợp với Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức. - Ảnh: quochoi |
Tại Hội nghị, các đại biểu thảo luận các mục tiêu quan trọng như xóa đói giảm nghèo, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững. Ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn, đặc biệt là trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Việt Nam đã đề ra 7 mục tiêu giải pháp xóa nghèo bền vững, trong đó tập trung vào 3 nhóm chính sách là hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên cho các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều như y tế, giáo dục, nhà ở; phát triển hạ tầng các vùng khó khăn: “Bổ sung hoàn thiện các chính sách hiện hành nhằm tăng cường khả năng chống chịu cho người nghèo và người dễ bị tổn thương trước các hiện tượng khí hậu cực đoan, thiên tai, lồng ghép yếu tố nghèo trong các chính sách phòng chống thiên tai và các chính sách liên quan khác, đảm bảo đầu tư vào cơ sở hạ tầng bắt kịp với nhu cầu do tăng sản lượng là điều cần thiết để tiếp tục tạo việc làm tốt hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu phải thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Martin Chungong, Tổng thư ký IPU, cho rằng Việt Nam cần chăm sóc đặc biệt nhóm phụ nữ, trẻ em vùng sâu, vùng xa. Việt Nam cần bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp lý, cơ chế quản lý ngân sách thực hiện giảm nghèo, bình đẳng giới, đưa bình đẳng giới vào các chính sách.