(VOV5) - 6 tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 6 tháng đầu năm tăng 5,52%. Tuy mức tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015 nhưng với những tín hiệu khả quan từ tăng trưởng sản xuất công nghiệp, hàng hóa bản lẻ và tiêu dùng trong nước, Việt Nam vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao trong năm nay.
|
Ảnh minh họa:internet |
Nghe âm thanh tại đây:
6 tháng đầu năm nay, kinh tế Việt Nam chịu nhiều biến động từ sự sụt giảm của các nền kinh tế lớn trên thế giới. Trong nước, Việt Nam chịu nhiều thiệt hại do thiên tai, hạn hán nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua. Các tỉnh phía Bắc chịu rét đậm, rét hại khiến hàng nghìn gia súc bị chết, cây nông nghiệp thiệt hại nặng, trong khi các tỉnh miền Nam bị nước mặn xâm nhập khiến sản xuất nông nghiệp sụt giảm. Đó là nguyên nhân chủ yếu khiến cho kinh tế nửa đầu năm nay chỉ tăng trưởng 5,52%. Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright cho rằng:"Cuối năm 2015 có thể khá lạc quan trước sự phục hồi của tăng trưởng, nhưng trong nửa đầu năm nay, bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, đặc biệt là thương mại toàn cầu dậm chân tại chỗ. Trong nước, khu vực nông nghiệp gặp khó khăn, có thể là sẽ không có sự tăng trưởng trong năm nay. Trên cơ sở đó, có thể thấy mặc dù có những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, những thông điệp và chỉ đạo rất quyết liệt từ Chính phủ nhưng bối cảnh kinh tế khó khăn đã cho thấy tăng trưởng năm nay sẽ khó đạt được mục tiêu đề ra".
Tuy vậy, chỉ số giá tiêu dùng CPI trong nước 6 tháng qua lại đạt con số ấn tượng hơn 1,7%, cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm 2015. Đặc biệt chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo có mức tăng trưởng mạnh mẽ hơn 10%. Tình hình tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục duy trì xu hướng tăng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng, đạt mức 9,5%. Trong khi đó, những tháng cuối năm nay, khi Việt Nam tham gia đầy đủ các hiệp định thương mại tự do, thị trường xuất khẩu sẽ được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu có nhiều cơ hội tăng trưởng, đặc biệt là sản phẩm nông sản, thủy sản. Bộ Công thương dự đoán tăng trưởng xuất khẩu cả năm có thể đạt 8,5%. Một điểm sáng trong nửa đầu năm nay của kinh tế Việt Nam là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh. Tổng vốn FDI thực hiện hơn 7,2 tỷ USD, tăng trên 15% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn FDI đăng ký đạt trên 11 tỷ USD, gấp 2 lần cùng kỳ năm trước. Đây là những tín hiệu tích cực cho sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2016.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trong năm nay cần sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Chính phủ cần xây dựng chính sách gắn liền với cải cách hệ thống hành chính công, tăng kết nối liên bộ, ngành nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng mới trong hội nhập. Từ đó đưa đất nước tránh khỏi bẫy thu nhập trung bình và bẫy hội nhập quốc tế. Trong khi đó, các doanh nghiêp Việt Nam phải khai thác triệt để các chính sách, các cam kết kinh tế quốc tế từ các hiệp định thương mại tự do. Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành cho rằng: "Những nền tảng mới đó là những vấn đề về chính sách, tổ chức thực hiện chính sách và tạo ra được một bộ máy, cơ chế để hoạch định chính sách và thực thi chính sách đó một cách hiệu quả, giảm tình trạng cát cứ hoặc phân tán giữa các bộ, các địa phương. Trong chính sách đó phải duy trì được một khung khổ pháp luật, tức là thể chế rất tốt; đồng thời, có một môi trường cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Phải có một hội đồng cạnh tranh thật là rõ ràng để ngăn chặn khuynh hướng độc quyền hoặc khuynh hướng cấu kết thông qua quan hệ thân hữu. Thứ hai là một loạt những cải cách khác đi liền như là vấn đề về chất lượng lao động, cách thức tạo ra nguồn lực lao động công nghiệp, nguồn lực chất lượng cao".
Phát biểu kết luận phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6 về giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội 6 tháng cuối năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Thứ nhất là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt Nghị quyết của Chính phủ. Thứ hai là đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư. Tập trung hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất nông nghiệp, nhất là vụ 3, đặc biệt các tỉnh ĐB Sông Cửu long, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất không chỉ để tăng trưởng mà là cơ sở để ổn định xã hội, an sinh xã hội. Tận dụng và mở rộng các thị trường xuất khẩu và tiêu dùng thị trường nội địa".
Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần có những chính sách linh hoạt trong phát triển kinh tế xã hội, ổn định tài chính, kiểm soát lạm phát. Đối với các doanh nghiệp phải tận dụng tối đa các lợi thế trong hội nhập và các hiệp định thương mại tự do, đồng thời xây dựng chiến lược nâng cao năng suất, nâng sức cạnh tranh và đẩy mạnh xuất khẩu.