(VOV5) - Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng làm trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị các nước kém phát triển nhất (LDC) từ ngày 05 - 08/03, tại Doha, thủ đô Qatar.
Hội nghị lần này có chủ đề "Từ tiềm năng đến thịnh vượng", với sự tham dự của khoảng 5.000 đại biểu.
Hội nghị đã thông qua tuyên bố chính trị khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc triển khai Chương trình hành động Doha, bao gồm 06 trụ cột ưu tiên: Đầu tư vào con người với phương châm “không bỏ ai lại phía sau”; Thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển bền vững; Đưa chuyển đổi cơ cấu kinh tế trở thành động lực cho tăng trưởng và thịnh vượng; Tăng cường thương mại quốc tế và hội nhập khu vực của các nước LDC; Ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng cường sức chống chịu trước các cú sốc; Củng cố quan hệ đối tác toàn cầu.
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phát biểu tại phiên toàn thể hội nghị LDC lần thứ 5 ở Qatar. Ảnh: Bộ Ngoại giao |
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, chú trọng nội lực đi đôi với kết hợp ngoại lực, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và đặt con người ở vị trí trung tâm, vừa là động lực, vừa là mục tiêu của phát triển; khẳng định Việt Nam sẵn sàng đóng vai trò cầu nối hợp tác giữa các đối tác phát triển và các nước LDC, nhất là thông qua hợp tác Nam - Nam và ba bên. Trưởng đoàn Việt Nam cũng nêu một số đề xuất: Các quốc gia cần nâng cao nội lực và năng lực cạnh tranh quốc gia trên cơ sở phù hợp với thế mạnh và đặc điểm của từng nước LDC. Cần tăng cường hơn nữa khả năng tiếp cận thị trường cho các nước LDC. Việt Nam kêu gọi các nước phát triển chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực, hỗ trợ tài chính cho LDC trong tiến trình chuyển đổi xanh và giảm phát thải carbon. Cần đề cao vai trò của hoà bình, hợp tác quốc tế và quan hệ đối tác trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu.
Trong khuôn khổ hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã có các cuộc gặp với các đối tác, như: Cuba, Ấn Độ, Benin, Uganda, Eswatini, Kazakhstan, Venezuela, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO).