(VOV5) - Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Theo nhận định của các Tổ chức quốc tế và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cạnh tranh giữa các nước đang phát triển trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ diễn ra quyết liệt, đặc biệt trong bối cảnh dòng vốn FDI được dự báo giảm trong năm nay, trong khi nhu cầu thu hút vốn đầu tư cho giai đoạn phục hồi và phát triển sau COVID-19 tăng cao. Bối cảnh này đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam nhưng cũng là cơ hội thúc đẩy, đổi mới tư duy, sáng tạo, kiến tạo tầm nhìn… để mở ra những cơ hội và động lực mới trong hợp tác phát triển, thu hút dòng đầu tư mới.
Tình hình kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như lạm phát ở mức cao, tăng trưởng thấp. Bên cạnh đó, các nền kinh tế lớn tiếp tục đối diện với nguy cơ suy thoái, các cuộc xung đột địa chính trị, sắc tộc, cùng sự bất ổn của thị trường tài chính, nợ công, thiên tai, biến đổi khí hậu... ảnh hưởng rất lớn tới dòng đầu tư toàn cầu và hiệu quả của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài, như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… vẫn bày tỏ tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế, cũng như những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.
Công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Telstar Việt Nam, Khu công nghiệp Vân Trung, Bắc Giang (vốn đầu tư của Anh) trong dây truyền sản xuất thiết bị điện tử. Ảnh minh họa: Đồng Thúy/TTXVN |
Ông Furusawa Yasuyuki, thành viên ban Giám đốc Điều hành của Tập đoàn AEON (Nhật Bản) phụ trách thị trường Việt Nam, kiêm Tổng Giám đốc AEON Việt Nam, cho biết: "Các doanh nghiệp hiện đang nhận được nhiều sự hỗ trợ, hầu hết các doanh nghiệp được thành lập ở phía Nam của Việt Nam, không chỉ ở thành phố Hồ Chí Minh mà chúng tôi còn hợp tác nhiều với các địa phương, như: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu… Chúng tôi mong muốn phát huy được nguồn lực của các địa phương này, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long."
Tình hình thu hút FDI tại Việt Nam đang được cải thiện rõ rệt. Trong 4 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 9 tỷ USD, trong đó, vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt 3,1 tỷ USD, tăng 70% và số lượng dự án đăng ký mới tăng 65% so với cùng kỳ năm trước. Hiện, các doanh nghiệp nước ngoài đang rất quan tâm đến chính sách đầu tư của Việt Nam, đặc biệt là trong thời gian tới, Việt Nam triển khai áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, cho biết: "Việt Nam là từ khóa cho tương lai của Hàn Quốc. Nhiều hoạt động đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp đã được hiện thực hóa khi đã được tiếp cận với những chính sách thu hút đầu tư cũng như sự hỗ trợ tích cực của chính phủ Việt Nam. Bộ Kế hoạch và Đầu tư không ngừng có những chính sách nới lỏng các quy định cũng như nỗ lực xây dựng hệ thống quản lý, ưu đãi thuế quan phù hợp với yêu cầu quốc tế hiện nay."
Đồng tình với ý kiến trên, ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch đầu tư, cho biết: Việt Nam đang luật hóa các chính sách trong năm nay, đặc biệt là khi áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn và chính sách ưu đãi dựa trên chi phí để đối ứng với thuế tối thiểu toàn cầu: "Con số để kích tổng vốn FDI tại Việt Nam lên nhanh do các dự án khổng lồ có giá trị hàng tỷ USD. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có giải pháp rõ ràng, để không ảnh hưởng tiêu cực tới dòng vốn đầu tư, đưa ra 3 mục tiêu chính của chính sách về thuế tối thiểu cho Việt Nam. Thứ nhất là giữ chân các nhà đầu tư hiện hữu; thứ hai đủ sức hấp dẫn để thu hút thêm các nhà đầu tư mới; thứ ba là bảo đảm sự công bằng bình đẳng giữa các doanh nghiệp các thành phần kinh tế."
Để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư, Việt Nam khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài ưu tiên đầu tư các dự án sử dụng ít lao động, năng lượng, đất đai, tài nguyên và đem lại giá trị gia tăng cao, thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bao trùm và bền vững nền kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung. Ảnh: vtc.vn |
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho rằng: Việt Nam sẽ có một dòng vốn đầu tư mới nếu có những chiến lược cụ thể: "Lĩnh vực mới, định hướng mới, tầm nhìn mới, tư duy mới, trong các lĩnh vực công nghệ cao, phát triển xanh, tăng trưởng bền vững… qua đó, vừa giúp Việt Nam hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, cũng như nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. Đây cũng là cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm, mở rộng thị trường kinh doanh. Tôi mong rằng Việt Nam và các nhà đầu tư sẽ có một sự hợp tác cùng có lợi và có thể tìm thấy những điểm chung, có thể chia sẻ với nhau nhiều khó khăn, thách thức."
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả dòng vốn đầu tư nước ngoài, Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài, trên phương châm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Đồng thời, xây dựng và phát triển hệ sinh thái về khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, với cơ chế quản lý linh hoạt, phù hợp với môi trường kinh doanh số; phát triển khu vực doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, đủ thực lực hội nhập quốc tế, để liên doanh, liên kết với khu vực đầu tư nước ngoài, tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ hiện đại, công nghiệp chế tạo, công nghệ thông tin và dịch vụ tài chính. Đặc biệt, phát huy năng lực nội tại và tận dụng lợi thế cạnh tranh nhằm cải thiện hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, đưa khu vực đầu tư nước ngoài kết nối chặt chẽ với khu vực đầu tư trong nước, mang lại sức phát triển bền vững cho nền kinh tế