(VOV5) - Đây là một trong những nỗ lực quan trọng đầu tiên nhằm xác định lộ trình, yêu cầu và định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Hôm nay (12/6), tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Chương trình Phát triển kinh tế bền vững, Cơ quan Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tại Việt Nam, tổ chức Diễn đàn “Xây dựng cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”. Năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Đây là một trong những nỗ lực quan trọng đầu tiên nhằm xác định lộ trình, yêu cầu và định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Với quy trình chăn nuôi tuần hoàn, trang trại nuôi lợn của Công ty TNHH Trang Linh, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu giải được bài toán về chất thải sau chăn nuôi, có thêm nguồn thu nhập. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN |
Theo Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, để sớm hiện thực hóa lợi ích từ kinh tế tuần hoàn, việc tạo động lực cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện chuyển đổi, sáng tạo mô hình kinh tế tuần hoàn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là với một số ngành, lĩnh vực có nhiều tiềm năng như nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, vật liệu xây dựng... Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế sẽ giúp Việt Nam tiếp cận, ứng dụng và làm chủ khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế tuần hoàn. Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh cho rằng mục tiêu xây dựng chính sách là để các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm sớm thử nghiệm các ý tưởng, sáng kiến kinh tế tuần hoàn, đóng góp vào quá trình chuyển đổi xanh, phục hồi xanh ở Việt Nam.