(VOV5) - Đây là thời điểm doanh nghiệp của chúng ta cũng cần nhìn nhận để có cơ cấu về mặt nguyên liệu cũng như công nghệ, để có thể đáp ứng được yêu cầu về thương mại xanh, đặc biệt là đoạn sắp tới.
Trong khó khăn chung của nền kinh tế, kim ngạch xuất khẩu cơ bản giữ được đà tăng, những tháng đầu năm nay đang phục hồi được khoảng 88% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều mặt hàng nông sản như gạo, rau quả tiếp tục ghi nhận tăng trưởng cao trong suốt nửa đầu năm nay. Mặc dù vậy, xuất khẩu nhiều mặt hàng công nghiệp chủ lực vẫn tiếp tục khó khăn, đòi hỏi cần nỗ lực đáp ứng các điều kiện ngày càng cao của thị trường. Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục XNK, Bộ Công Thương trả lời phỏng vấn VOV về nội dung này:
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Thưa ông, nhìn vào kim ngạch xuất khẩu những tháng gần đây cho thấy những tín hiệu khởi sắc khi XK tháng sau đã cao hơn tháng trước. Vậy đâu là những điểm sáng trong hoạt động XK thời gian qua?
Ông Trần Thanh Hải: Có thể nói là xuất khẩu những tháng đầu năm chúng ta cũng đang ở trong giai đoạn rất khó khăn. Tuy nhiên, nhìn vào hai tháng gần đây cũng đã có những tín hiệu điểm sáng. Trong bức tranh đó thì chúng ta cũng thấy có xuất khẩu rau quả và xuất khẩu gạo là những điểm sáng khi xuất khẩu rau quả tăng tới 64% và xuất khẩu gạo thì tăng 34% so với cùng kỳ. Đây cũng là kết quả rất tích cực thể hiện sự phục hồi cũng như mở rộng thị trường rất là mạnh mẽ. Tuy nhiên, đa số các mặt hàng khác, đặc biệt là các mặt hàng công nghiệp của chúng ta hiện nay xuất khẩu còn đang rất là khó khăn.
PV. Tuy nhiên, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vẫn đạt thấp (kim ngạch ước đạt 164,45 tỷ USD), giảm hơn 12% so với cùng kỳ năm trước. Các nguyên nhân nào dẫn đến tăng trưởng xuất khẩu nửa đầu năm thấp như vậy, thưa ông?
Ông Trần Thanh Hải: Chúng ta thấy có cả nguyên nhân từ phía lâu dài cũng như cả những nguyên nhân trước mắt. Nguyên nhân trực tiếp nhất là tình trạng giảm tổng cầu do lạm phát cao và suy giảm kinh tế ở các thị trường xuất khẩu chính, cũng như tăng cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu sau khi mở cửa lại nền kinh tế sau dịch bệnh.
Mặt khác thì chuỗi cung ứng cũng vẫn còn chưa được khôi phục hoàn toàn do chiến tranh giữa Nga - Ucraina cũng như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Rồi việc các nước cũng đã phải duy trì tồn kho khá lớn trong giai đoạn dịch bệnh thì cũng góp phần làm giảm tổng cầu. Thì đây là những nguyên nhân được coi là các lý do chính, và hiện nay thì chúng ta cũng thấy là những nguyên nhân này vẫn còn có thể tác động từ nay cho đến hết năm. Do vậy, chúng ta cũng nhìn thấy bức tranh xuất khẩu của chúng ta trong thời gian từ nay đến hết năm vẫn còn nhiều khó khăn.
PV. Các phân tích vừa rồi cho thấy mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% trong năm 2023 là vô cùng thách thức. Theo ông đâu là các cơ hội cho XK những tháng cuối năm và cần những chính sách gì để tháo gỡ / tạo động lực cho tăng trưởng XK đạt cao nhất có thể?
Ông Trần Thanh Hải: Trong khó khăn chung hiện nay thì ta thấy có một điểm tích cực, đó là việc lực lượng sản xuất của chúng ta cũng vẫn được duy trì rất tốt và vẫn tiếp tục là địa điểm thu hút đầu tư. Thứ hai, chúng ta cũng đang phát huy tốt việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) để duy trì xuất khẩu vào các thị trường chính.
Ở đây chúng ta nhìn nhận mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% năm 2023 là vô cùng thách thức. Và những giải pháp ta cần triển khai nó sẽ bao gồm cả những cái việc là tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) thông qua việc đào tạo và nâng cao hiểu biết để tận dụng hiệu quả các quy tắc xuất xứ; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đa dạng hóa hình thức xúc tiến tại các thị trường để tham gia được vào thị trường mới; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia mạng lưới phân phối của các chuỗi bán lẻ nước ngoài, đẩy mạnh xuất khẩu thông qua nền tảng thương mại điện tử… và nắm bắt các khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, qua đó tháo gỡ và hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu.
PV: Trong một bối cảnh mà doanh nghiệp chúng ta gặp rất nhiều khó khăn về đơn hàng, tuy nhiên các điều kiện của thị trường xuất khẩu thì lại ngày càng cao. Vậy ông nhìn nhận như thế nào về các thách thức này cũng như là những nỗ lực của doanh nghiệp xuất khẩu của chúng ta trong thời gian tới để có thể đáp ứng được các điều kiện này?
Ông Trần Thanh Hải: Hiện nay, những nỗ lực của doanh nghiệp phải nói là rất lớn để duy trì hoạt động sản xuất xuất khẩu, lưu thông hàng hóa. Tại thời điểm hiện nay các doanh nghiệp cũng nên tiếp tục có các đánh giá và tái cơ cấu cho chiến lược hoạt động cũng như là chiến lược kinh doanh của mình.
Chúng ta cũng nhìn thấy những biến động trên thị trường trong 3 năm vừa qua hết sức lớn, từ vấn đề liên quan đến dịch bệnh, liên quan đến đứt gãy chuỗi cung ứng cho đến những tác động về giảm cầu trên thị trường tiêu thụ… đều là những thách thức lớn, đặt ra cho các doanh nghiệp. Chúng ta cũng đã có kinh nghiệm ứng phó những tình huống tương tự như thế này, thì đây là giai đoạn mà doanh nghiệp của chúng ta cũng cần tiếp tục vận dụng các kinh nghiệm, bài học đã thu được để có thể đưa ra các chiến lược sách lược thích hợp cho hoạt động kinh doanh của mình.
Trong đó đặc biệt là chú ý đến các rào cản thương mại mới phát sinh. Ví dụ như các biện pháp phòng vệ thương mại, rồi các biện pháp liên quan đến lao động và môi trường, đặc biệt là hiện nay chính sách thương mại xanh sẽ có tác động rất lớn đến hoạt động thương mại trong bối cảnh sắp tới. Đây là thời điểm doanh nghiệp của chúng ta cũng cần nhìn nhận để có cơ cấu về mặt nguyên liệu cũng như công nghệ, để có thể đáp ứng được yêu cầu về thương mại xanh, đặc biệt là đoạn sắp tới.
PV: Vâng xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!