(VOV5) - Qua đây, người nông dân đảm bảo được nguồn hàng tiêu thụ đúng quy định, phát triển bền vững vùng trồng và vật nuôi.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn người tiêu dùng cần có sự minh bạch về nguồn gốc sản phẩm và phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp, các nhà khoa học thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam (VDECA) đã xây dựng gói giải pháp quản trị số nông nghiệp 4.0 eGap, thực hành trên nền tảng eGap.vn. Đây thực chất là Cổng thông tin Quản lý, Giám sát, Truy xuất minh bạch và kết nối thị trường nông sản Việt Nam, hiện đã có trên 10 tỉnh thành ứng dụng thành công.
Ứng dụng eGap - Ảnh: egap.vn |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Egap.vn là Cổng thông tin trực tuyến quản lý và truy xuất nguồn gốc của 4 nhóm ngành hàng: cây trồng, chăn nuôi, thủy sản, chế biến nông sản, với nhật ký điện tử trên hai nền tảng Android và ios. Với ứng dụng nhật ký điện tử, camera đồng ruộng, lưu trữ thông tin theo thời gian thực về toàn bộ chuỗi sản xuất, theo dõi giám sát vùng trồng theo thời gian hợp đồng đã ký, người nông dân đảm bảo được nguồn hàng tiêu thụ đúng quy định, phát triển bền vững vùng trồng và vật nuôi. Cũng thông qua ứng dụng này, người sản xuất biết trước được sản phẩm của mình sẽ bán cho ai, giá cả bao nhiêu, chủ động lập kế hoạch hạch toán minh bạch, chịu sự giám sát tuân thủ quy chuẩn sản xuất của khách hàng. Về phía khách hàng, thông qua tem QR code, khách hàng có thể tìm hiểu thông tin minh bạch, có kiểm chứng, tạo được niềm tin về sản phẩm.
Tiến sỹ Mai Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Liên hiệp Hợp tác xã kinh tế số Việt Nam, cho biết: "Hệ thống giải pháp này ứng dụng tốt trong lĩnh vực nông nghiệp. Hàng triệu nông dân sẽ được sử dụng các tiện ích của hệ thống này qua điện thoại di động. Hiện nay, hệ thống đang càng ngày càng được nâng cấp và cải tiến để làm sao có phương tiện hữu hiệu để quản lý, giám sát, truy xuất minh bạch và kết nối thị trường nông sản Việt Nam".
PGS.TS. Mai Quang Vinh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam phát biểu tại Hội thảo “Ứng dụng công nghệ AI trong nâng cao năng suất nông nghiệp” ở Ba Đình (Hà Nội), ngày 23/3/2023 - Ảnh: egap.vn |
Tại tỉnh Sơn La, cổng thông tin điện tử giám sát truy xuất nguồn gốc và kết nối thị trường nông sản eGap.vn khai trương và hoạt động chính thức từ tháng 8/2018. Hợp tác xã Nà Pó, xã Ngọc Hoàng, huyện Mai Sơn, là một trong những hợp tác xã tham gia thử nghiệm.
Trước đây, khi thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, các thành viên hợp tác xã phải ghi chép nhật ký sản xuất thủ công trên giấy. Do không thuận lợi để lưu trữ nhật ký sản xuất nên mỗi khi có lô hàng xuất khẩu, hợp tác xã mất nhiều công tìm kiếm nhật ký sản xuất. Những vấn đề đó hiện đã được giải quyết bằng cổng thông tin điện tử eGap.vn. Chỉ với một điện thoại thông minh có hệ điều hành Android hoặc IOS kết nối internet, người nông dân dễ dàng cập nhật lịch sử canh tác, quản lý tốt hoạt động sản xuất và công khai minh bạch nguồn gốc địa lý, quy trình sản xuất của sản phẩm đối với người tiêu dùng. Nông dân cũng có thể xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm hiệu quả, tạo uy tín của sản phẩm nông sản trên thị trường.
Khai trương Cổng thông tin Quản lý, truy xuất minh bạch và kết nối thị trường nông sản tỉnh Sơn La. Ảnh: sonla.egap.vn |
Theo Tiến sỹ Mai Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã kinh tế số Việt Nam, đơn vị phát triển giải pháp Egap.vn: "Chúng tôi đang kết hợp với cơ quan khí tượng thủy văn trung ương, lắp đặt các ra-đa thời tiết có cảnh báo dông lốc, mưa đá trong vòng từ 1-2 giờ. Hệ thống của chúng tôi là hệ thống phát tức thời và phát qua di động nên có thể cảnh báo sớm".
Trong xu thế hội nhập toàn cầu, vấn đề quản trị sản xuất, quản lý sản phẩm đặt ra cấp thiết. Sử dụng công nghệ hiện đại 4.0 trong việc quản lý, giám sát, truy xuất minh bạch và kết nối thị trường nông sản trở nên hiện thực và khả thi. Đây cũng là xu hướng tất yếu của ngành nông nghiệp nhằm thay đổi tập quán canh tác, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Gói giải pháp Egap và Egap.vn đã thực hiện số hóa các khâu sản xuất, góp phần chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, hỗ trợ hợp tác xã trong quản lý giám sát và điều chỉnh sản xuất phù hợp. Quy trình sản xuất được công khai qua camera giám sát trực tuyến, tạo dựng uy tín, niềm tin đối với người tiêu dùng. Chuyển đổi số cũng chính là “chìa khóa” để xây dựng và phát triển hiệu quả các mô hình chuỗi cung ứng nông sản an toàn, đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng bền vững.