(VOV5) - Việc phủ sóng hàng Việt, tạo điều kiện để hàng Việt vào các siêu thị luôn là một trong những trọng tâm hoạt động của Sở Công thương Hà Nội,thời gian gần đây.
Hàng Việt đang ngày càng có thế mạnh, chiếm được niềm tin của đông đảo người tiêu dùng, đặc biệt là đối với hàng hóa thiết yếu, hàng tiêu dùng. Mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng, chất lượng tốt, chính sách hậu mãi chu đáo, tin cậy…, là những yếu tố khiến hàng Việt ngày càng có chỗ đứng vững chắc với thị phần ổn định trên thị trường nội địa.
Hàng Việt ngày càng chiếm lĩnh thị trường với nhiều sản phẩm chất lượng. Ảnh: VOV |
Nghe âm thanh tại đây:
Các siêu thị, trung tâm thương mại đang ngày càng nâng cao nhận thức về việc cung ứng hàng Việt cho người tiêu dùng, với cơ cấu hàng Việt chiếm đến 90%. Các sản phẩm đều có xuất xứ rõ ràng, có các chứng nhận như hàng Việt chất lượng cao, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm)…
Bà Nguyễn Thị Hải Thanh, Giám đốc Trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị Aeon Hà Đông, cho biết so với thời gian trước đây, các nhà cung cấp hàng Việt luôn ý thức thay đổi mẫu mã sản phẩm thường xuyên, thực hiện các chương trình khuyến mãi hằng tuần, hằng tháng, bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm hàng Việt tốt, một số sản phẩm có khả năng cạnh tranh tốt so với hàng ngoại nhập: “Chúng tôi luôn ưu tiên mang sản phẩm hàng nội vào trong siêu thị nhiều nhất. Hiện nay, chúng tôi có khoảng 85% mặt hàng đang trưng bày tại siêu thị là hàng nội, đặc biệt đối với những mặt hàng rau, củ, quả tươi sống lên đến 95%. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp cùng với các cơ quan chính quyền ban, ngành, địa phương tổ chức các chương trình như khuyến khích sử dụng hàng OCOP.”
Các doanh nghiệp Việt cần đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển theo xu hướng kinh tế xanh, tuần hoàn. Ảnh: VOV |
Trước xu thế người tiêu dùng Việt đã thay đổi phong cách mua sắm, không còn tâm lý sính hàng ngoại khi hàng Việt ngày càng có chất lượng, giá cả ổn định, mẫu mã phong phú, đa dạng, ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, cho biết việc phủ sóng hàng Việt, tạo điều kiện để hàng Việt vào các siêu thị luôn là một trong những trọng tâm hoạt động của Sở thời gian gần đây: “Thành phố, trong kế hoạch của mình, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu những sản phẩm hàng Việt Nam trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng như các tỉnh, thành trên cả nước. Qua đó, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, tạo thuẩn lợi thúc đẩy sản xuất, cũng như đẩy mạnh quảng bá tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp.”
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, nhiều mặt hàng "Made in Việt Nam" đã đủ mạnh để chi phối thị trường trong nước nhờ các doanh nghiệp Việt không ngừng nỗ lực đầu tư, đa dạng sản phẩm, giá thành hợp lý… Nhiều doanh nghiệp đã ý thức tạo thương hiệu riêng để đáp ứng tốt xu hướng tiêu dùng. Do đó được đông đảo người dân lựa chọn và tin dùng: “Những điểm mạnh của hàng hoá Việt Nam, đó là chất lượng và phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam. Trong nhiều năm gần đây, người Việt Nam thường lựa chọn các hàng hóa tiêu dùng do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Tôi cho rằng với sự quyết tâm sự nỗ lực của các doanh nghiệp và sự lựa chọn của người tiêu dùng, hàng hóa Việt Nam sẽ càng chiếm lĩnh vững chắc tại thị trường Việt Nam. Từ đó tiếp tục lan tỏa sức mạnh của mình ra thị trường thế giới.”
Cùng với đó, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do được triển khai tại nhiều địa phương với cách làm sáng tạo, hiệu quả, đã đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người tiêu dùng trong cả nước.
Sau hơn 13 năm triển khai, thay vì ưu tiên thiên về lý trí khi chọn lựa, nay người tiêu dùng dành tình cảm, tình yêu, niềm tự hào với mỗi mặt hàng Việt Nam. Bà Mai Thị Thùy, Chủ tịch Hội nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, khẳng định: “Chúng tôi đánh giá rất cao về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Khi chưa có Cuộc vận động này thì tỷ lệ của người tiêu dùng Việt Nam thích dùng hàng nước ngoài rất nhiều. Nhưng khi Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phát động, chúng tôi thấy vô cùng hiệu quả. Hiệu quả ở đây là cũng phải tập cho người tiêu dùng có thói quen dùng hàng Việt Nam. Thứ hai nữa, những doanh nghiệp sản xuất phải đáp ứng được mẫu mã, bao bì, chất lượng hàng hóa, làm sao để đảm bảo, thu hút được những sở thích của người tiêu dùng thích dùng hàng ngoại quay về dùng hàng Việt Nam. Thông qua Cuộc vận động này, chúng tôi nghĩ là doanh nghiệp Việt cũng phải phấn đấu, muốn bán hàng ở trong thị trường trong nước thì phải đáp ứng được nhu cầu thị trường.”
Thực tế cho thấy, hiện các hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ hiện nay, hàng Việt chiếm 80% - 90% trên tổng số hàng hóa. Tuy nhiên, để tiếp tục tạo chỗ đứng vững chắc cho hàng Việt trên thị trường nội địa trong thời gian tới, các chuyên gia kinh tế cũng lưu ý các doanh nghiệp Việt cần đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ và cải tiến quy trình sản xuất theo xu hướng kinh tế xanh, tuần hoàn. Đồng thời chú trọng xây dựng và bảo vệ thương hiệu, nâng cao năng lực quản trị để tạo lợi thế cạnh tranh và phát triển các kênh phân phối hiệu quả, đẩy mạnh xúc tiến thương mại… Để doanh nghiệp Việt ngày càng mở rộng được thị phần trong thời gian tới.