(VOV5) - Tập trung phát triển các sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là hướng đi của tỉnh Hậu Giang thời gian qua.
Qua đó, tỉnh Hậu Giang là địa phương đi đầu tạo ra được những sản phẩm chất lượng, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của địa phương và đời sống cho người dân nông thôn.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Lãnh đạo Hợp tác xã Kỳ Như ở huyện Phụng Hiệp (có nhiều sản phẩm chế biến từ cá thát lát đạt chuẩn OCOP) giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tại một hội nghị. Ảnh: Tấn Phong/VOV |
Gắn bó với nghề làm bánh kẹo gần 25 năm, mỗi tháng cơ sở Tân Bạch Nguyệt của chị Từ Thị Nguyên Mai, ở ấp Trường Khánh 1, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, cung ứng cho thị trường vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ 10-15 ngàn chiếc bánh pía và nhiều loại kẹo. Với mong muốn đưa sản phẩm của gia đình đi xa hơn, năm ngoái, chị Mai đã quyết định tham gia chương trình OCOP cho sản phẩm bánh pía của gia đình.
Theo chị Mai, từ khi được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, sản phẩm bánh pía của gia đình được người tiêu dùng đón nhận tích cực hơn, sản lượng tiêu thụ tăng hơn nhiều so với trước đây: "Tham gia Chương trình OCOP, thương hiệu của mình đi xa hơn, sản phẩm OCOP được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Từ đó, sản phẩm đi vào các siêu thị, xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, người tiêu dùng tin tưởng vào sản phẩm hơn."
Bên cạnh phát triển mới sản phẩm, thời gian qua huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, còn phối hợp với các cơ qua chức năng hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn thiện các sản phẩm theo hướng nâng cao chất lượng và hoàn thiện bao bì mẫu mã, quy trình sản xuất, hoàn thiện sản phẩm. Cùng với đó, công tác xúc tiến thương mại phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm, ứng dụng các sàn thương mại điện tử, như: Voso, Postmart, Shopee, Lazada... để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm và thực hiện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm, được chú trọng đẩy mạnh. Đến nay, nhiều sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm OCOP của huyện Phụng Hiệp, được doanh nghiệp và siêu thị lớn chủ động đặt hàng và phân phối sản phẩm. Từ đó, các chuỗi giá trị OCOP được hình thành và hoạt động hiệu quả, khai thác tối đa nguyên liệu nông sản, thủy sản tại địa phương.
Bà Võ Thị Phương Trang, chủ cơ sở sản xuất rượu thủ công truyền thống Út Tây, ở ấp Tân Long A, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, cho biết hiện có 4 sản phẩm đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh, đồng thời cũng đạt sản phẩm OCOP tiêu biểu vùng Đồng bằng sông Cửu Long: "Nguồn nguyên liệu để làm ra sản phẩm rượu Út Tây thì làm từ gạo, tấm gạo, cho nên Út Tây cũng góp phần nâng tầm giá trị của hạt gạo và đồng thời cũng góp phần tạo chuỗi sản xuất tuần hoàn, hướng tới kinh tế xanh. Hy vọng rằng nông sản Hậu Giang sẽ có một bước phát triển mới, nâng tầm giá trị của tất cả các mặt hàng nông sản."
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong một lần về làm việc tại tỉnh Hậu Giang đã tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP của cơ sở sản xuất rượu thủ công truyền thống Út Tây. Ảnh: Tấn Phong/VOV |
Với lợi thế về thổ nhưỡng, sự đa dạng về sản phẩm nông nghiệp, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền tỉnh Hậu Giang, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã trở thành động lực phát triển của các doanh nghiệp, Hợp tác xã và cơ sở sản xuất. Các sản phẩm OCOP của địa phương cũng dần khẳng định được vị thế trên thị trường bởi chất lượng và khả năng đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng.
Đến nay, Hậu Giang đã công nhận 278 sản phẩm OCOP, trong đó 92 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 186 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Bên cạnh sự gia tăng về số lượng, chất lượng sản phẩm cũng được nâng cao đáng kể. Đây là bước tiến quan trọng, cũng là sự khẳng định thương hiệu và uy tín của OCOP Hậu Giang. Sản phẩm OCOP của tỉnh Hậu Giang đã có mặt ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước thông qua các kênh bán hàng lớn như siêu thị, bách hóa, cửa hàng nông sản sạch. Đặc biệt, một số loại trái cây địa phương đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, khu vực Bắc Mỹ và châu Âu.
Để phát triển bền vững, sản phẩm OCOP của tỉnh đang chú trọng đảm bảo tính đồng đều và ổn định về chất lượng, mẫu mã, xây dựng quy trình sản xuất đáp ứng những tiêu chuẩn chất lượng cao nhất như GlobalGAP, HACCP ISO 22000 để hoàn thiện, mở rộng quy mô, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Bà Lý Lệ Hoa, Phó phòng kinh tế thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, chia sẻ: "Chúng tôi hướng tới triển khai các chương trình liên kết công ty, doanh nghiệp, cơ sở để các hợp tác xã, cơ sở sản xuất hình thành được vùng nguyên liệu, tạo ra sản phẩm lớn, chất lượng đồng đều, nguồn nguyên liệu ổn định giúp doanh nghiệp tự chủ vùng nguyên liệu tại chỗ, góp phần nâng cao hiệu quả và giá trị sản phẩm, góp phần giải quyết lao động địa phương."
Thời gian tới, tỉnh Hậu Giang tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư vào phát triển sản xuất nông thôn, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất và chế biến, cải tiến quy trình sản xuất, tìm kiếm và phát triển các sản phẩm mới từ những nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Địa phương sẽ tiếp tục hợp tác với các tổ chức quốc tế, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ chế biến để tiếp nhận những kỹ thuật tiên tiến nhất. Đột phá trong công nghệ và sáng tạo trong sản xuất, chế biến sẽ là điểm nhấn của OCOP tỉnh Hậu Giang, đưa kinh tế địa phương phát triển bền vững.