(VOV5) - Trong một thế giới mới, nơi dòng chảy vật chất song song cùng tồn tại với dòng chảy dữ liệu, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng cũng là một vấn đề cần lưu tâm.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
"Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam” là một chủ trương, định hướng lớn của Chính phủ Việt Nam nhằm khơi dậy nội lực, khát vọng phát triển đất nước trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Kể từ khi “Make in Việt Nam” được đưa ra tháng 5/2019, phong trào này đã tạo một luồng sinh khí mới, năng lượng tích cực, làm thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của doanh nghiệp công nghệ và sản phẩm công nghệ số trong công cuộc phát triển đất nước, đặc biệt là vấn đề bảo vệ chủ quyền số quốc gia trên không gian mạng.
Facebook hiện là nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam. Ảnh: Reuters |
Từ trước đến nay, nhận thức của phần lớn người dân vẫn thiên theo hướng bảo vệ chủ quyền quốc gia truyền thống, đó là những vấn đề về lãnh hải, lãnh thổ. Thế nhưng, trong một thế giới mới, nơi dòng chảy vật chất song song cùng tồn tại với dòng chảy dữ liệu, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng cũng là một vấn đề cần lưu tâm. Là một đất nước dân số trẻ với 97,3 triệu người, trong đó hơn 70% là người sử dụng Internet, Việt Nam đã và đang trở thành mảnh đất đầy tiềm năng cho các nhà cung cấp nền tảng số.
Theo thống kê mới nhất của We are social năm 2022, Facebook hiện là nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam với 93,8% người dùng Internet sử dụng hàng tháng. Công cụ nhắn tin Messenger, mạng xã hội chia sẻ video TikTok và mạng xã hội chia sẻ ảnh Instagram cũng là những nền tảng số được nhiều người Việt Nam sử dụng (đều chiếm trên 60%).
Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng số đang đặt ra những thách thức mới. Đó là an ninh quốc gia trở thành mục tiêu tấn công xâm nhập, thu thập thông tin tình báo hàng đầu của các nhóm tin tặc. Các cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước cũng không được an toàn.
Ông Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, cho rằng, vấn đề an toàn, an ninh mạng ngày càng phức tạp, khó kiểm soát, khó dự báo, tác động mọi mặt đời sống, xã hội và an ninh của tất cả các quốc gia trên thế giới mà Việt Nam không phải là ngoại lệ: “Thách thức hiện nay là không gian mạng đang bị các thế lực thù địch phản động bọn tội phạm sử dụng để tiến hành các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là hoạt động tuyên truyền, chống phá chế độ kích động biểu tình bạo loạn thực hiện cách mạng màu cách mạng đường phố nhằm thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam. Đặc biệt là xuất hiện nhiều cuộc tấn công mạng với quy mô lớn cường độ cao có tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.”
Trước thực tế này, thời gian qua, khái niệm không gian mạng và tầm quan trọng của an ninh quốc gia về không gian mạng được Việt Nam đặc biệt chú trọng. Luật An ninh mạng, Dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) là những minh chứng cho thấy những bước đi mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước về vấn để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian số. Cùng với việc đẩy nhanh xây dựng xã hội số, kinh tế số và chính phủ số, Việt Nam triển khai bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia trên không gian mạng và ứng phó với những nguy cơ mới thông qua việc thúc đẩy sự phát triển của các nền tảng số Make in Việt Nam.
Hơn một năm sau khi Thủ tướng phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, công cuộc chuyển đổi số quốc gia ở Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu rất rõ ràng, đặc biệt là nhận thức về chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và toàn dân không ngừng được nâng cao. Trong 2 năm qua, nhiều hạ tầng, nền tảng, sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin do doanh nghiệp Việt làm chủ đã được triển khai mạnh mẽ, nhất là nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin, bảo vệ an toàn thông tin trên không gian mạng, bảo vệ chủ quyền quốc gia trong mỗi cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức.
Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam, cho biết: “Năng lực đảm bảo an toàn thông tin của đất nước được dựa trên một nền tảng hết sức quan trọng các sản phẩm dịch vụ giải pháp trong hệ sinh thái an toàn, an ninh mạng do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ, sẵn sàng đảm bảo an toàn - an ninh mạng cho chuyển đổi số quốc gia. Điều quan trọng là gắn kết 3 nhà: các doanh nghiệp an toàn an ninh mạng, các đơn vị sử dụng dịch vụ sản phẩm an toàn, an ninh mạng và các cơ quan xây dựng chính sách của Nhà nước.”
Trong bước tiến đầu tiên về bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên không gian số là tính đến nay, Việt Nam đã làm chủ 90 % hệ sinh thái các sản phẩm an toàn, an ninh mạng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước và đang phấn đấu là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có thể làm chủ 100% hệ sinh thái các sản phẩm an toàn, an ninh mạng. Hiện, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng đội ngũ chuyên gia về an toàn, an ninh mạng, để có thể đảm bảo an toàn an ninh mạng ở mức cao nhất.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: vneconomy.vn |
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Chúng ta phải xây dựng một đội ngũ chuyên gia về an toàn, an ninh mạng làm nòng cốt. Đội ngũ này nằm ở các doanh nghiệp là chính, nhưng khi cần thiết thì có thể trưng dụng được. Ngoài ra, đảm bảo an toàn, an ninh mạng cũng phải được phổ cập, muốn phổ cập thì phải rẻ, phải dễ dùng. Các doanh nghiệp an toàn thông tin phải có cách tiếp cận mới, để phổ cập an toàn an ninh mạng đến mọi cá nhân và tổ chức. Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến khích các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng có những cách tiếp cận mới cả về công nghệ, sản phẩm và marketing, để đẩy nhanh việc phổ cập sản phẩm, dịch vụ an toàn, an ninh mạng đến mọi người và mọi tổ chức.”
Theo báo cáo của Liên minh Viễn thông quốc tế công bố năm 2021, Việt Nam xếp thứ 25/194 quốc gia, vùng lãnh thổ, thứ 7 khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thứ 4 trong ASEAN về an toàn, an ninh mạng. Hiện tại, ở Việt Nam, các nền tảng điện toán đám mây do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ đáp ứng yêu cầu an toàn thông tin mạng phục vụ Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử có thể kể đến VNPT cloud, Viettel cloud, VNG cloud, Bizfly cloud và CMC cloud. Các nhà cung cấp này được Chính phủ hỗ trợ, trao chứng nhận làm chủ đáp ứng yêu cầu an toàn thông tin mạng là động lực khuyến khích để sẵn sàng đồng hành trong quá trình chuyển đổi số quốc gia.