Phòng 4, khoa Hồi sức tích cực 3 hôm nay có một chiếc giường trống.
8h20 phút sáng, bệnh nhân vừa trút hơi thở cuối cùng.
Phần lớn bệnh nhân ở khoa Hồi sức tích cực 3 đều phải thở máy, có vài ca lọc máu khá nặng.
Các nhân viên y tế làm việc ở đây chia thành 3 ca, 4 kíp, thay nhau điều trị, chăm sóc bệnh nhân 24/24h.
Những tháng ngày qua, các giường trong ICU luôn chật kín. Mỗi khi có bệnh nhân mới thì họ biết, có người đã thất bại trong cuộc chiến giành sự sống, để lại chiếc giường trống cho một bệnh nhân nặng khác có thể đã chờ sẵn.
Hôm nay là ngày thứ 10 kỹ thuật viên gây mê Nguyễn Xuân Hiến của BV Sản nhi Bắc Ninh có mặt tại Bệnh viện dã chiến số 16.
Ngay ngày đầu tiên đến đây, vừa nhận buồng đã chứng kiến bệnh nhân ngừng tim, anh em trong kíp cấp cứu ép tim, vận mạch nhưng không làm gì được nữa.“Mình là dân hồi sức nhưng cảm giác đầu tiên là choáng” – anh Hiến chia sẻ.
Cũng ở ngày đầu tiên nhận bệnh nhân, có bệnh nhân nặng tối hôm trước đã ngừng tuần hoàn mấy lần, được cấp cứu, sáng hôm sau trong tua trực, khi vừa chăm sóc, thay băng xong thì bệnh nhân ngừng tim.
21h đêm, một chiếc giường được đẩy đi dọc hành lang khu Hồi sức tích cực 2 và 3. Rồi lại thêm một chiếc nữa nối đuôi. Bên trong buồng bệnh lại thêm 2 chiếc giường trống.
23h đêm, kim đồng hồ nhích dần sang một ngày mới. Bước chân của điều dưỡng Lê Nam Phương và đồng nghiệp gấp gáp như nhịp tít tít phát ra từ các máy thở.
Họ đón một bệnh nhân lại trở nặng vừa được chuyển vào buồng 4. Bệnh nhân này đã từng được rút ống nội khí quản, chuyển xuống buồng dành cho người nhẹ hơn, nhưng đêm nay bệnh nhân đột ngột nặng hơn.
Bệnh nhân mới chuyển xuống là H.T.B. Ngày mới vào đây điều trị, bà B phải thở máy hoàn toàn. Các thông số khí máu thấp. Bệnh nhân bị đái tháo đường, tăng huyết áp, tiên lượng xấu.
Sau một thời gian nỗ lực điều trị, giành giật sự sống, bệnh nhân B đã rút được máy thở, khí máu tốt , SpO2 lên 80, chỉ thở khí oxy liều cao, khả năng chuyển đến khu điều trị nhẹ và ra viện sớm. 5 ngày trước điều dưỡng Phạm Minh Sáng từng vui vẻ thông báo “bệnh nhân ngon lành rồi đấy”. Vậy mà…
Trong không gian tĩnh lặng của màn đêm, tiếng bộ đàm ở thắt lưng điều dưỡng Phong dồn dập phát thông báo:
-“Có ca nặng ở giường số 8…
- Vừa đặt ống giường 13 cho giường chuyển nặng.
-Bác sĩ Thường, buồng số 4 bệnh nhân ống nội khí quản vào tận góc bên phải rồi xem rút ra chưa”
Bệnh nhân vừa được lắp máy theo dõi xong. Điều dưỡng Lê Nam Phương mặt căng thẳng, trong vô thức chị thốt lên “mệt quá”.
Nhưng Phương và đồng nghiệp đã quen với cường độ làm việc trong phòng hồi sức. “Có đêm cấp cứu ngừng tuần hoàn 5-7 bệnh nhân là bình thường. Ca này này, ép tim đêm 5-7 lần trong đêm rồi đấy”.
2h sáng, bệnh nhân B vừa đặt ống nội khí quản lại có dấu hiệu nguy kịch hơn, tiếng chân dồn dập, ép tim, bóp bóng. Tiếng bộ đàm cài bên thắt lưng lại liên tục dội về.
ICU có lẽ là nơi lằn ranh sinh tử hiện hữu rõ ràng nhất. Một ngày trước, bệnh nhân vẫn còn nhắn tin về cho vợ con nhưng hôm sau những tin nhắn “Anh sao rồi, anh ổn không?”, có thể vĩnh viễn không có lời hồi đáp.
Điều dưỡng hồi sức tim mạch Phạm Minh Sáng chia sẻ “bệnh nhân nặng chuyển vào đây có thể diễn biến bất kỳ lúc nào, có ca vừa vào đặt ống một lúc sau đã ngừng tim vì suy hô hấp, có những ca dù tim ngừng đập nhưng trên máy thỉnh thoảng vẫn có nhịp rời rạc. Chúng tôi biết không cứu được nữa, nhưng không thể rút ống ngay. Bởi chỉ cần một tia hy vọng dù le lói cũng phải giành giật đến cùng”.
Trong ICU, nếu các thành viên trong một gia đình mắc Covid-19 được xếp vào cùng một buồng, nghĩa là mức độ của họ như nhau và tất cả họ đều có hy vọng. Nhưng có những gia đình 3-4 người mắc, mỗi người ở mỗi phòng khác nhau, điều đó có nghĩa là có người bị nặng, tiên lượng tử vong cao.
Có bệnh nhân hỏi tình hình người nhà tôi như thế nào? Nhân viên y tế không dám nói thật, bởi phải giữ niềm tin cho những người còn hy vọng sống để họ gắng gượng vượt qua, “không thể để bệnh nhân còn tia hy vọng nhận được tin buồn, tin sốc, vì vậy nhiều lúc cũng phải nói dối”, điều dưỡng Dương Quốc Khánh cho biết.
“-Con ơi, con gọi con gái cho chú!
-Vâng!”
Người đàn ông vừa vượt qua cửa tử thều thào nhờ bác sĩ trợ giúp. Ông đã phục hồi và có thể nói chuyện được với người thân. Một cuộc hồi phục đầy ngoạn mục.
Ông là bệnh nhân Hồ Văn Năng ở TP. Thủ Đức. Ông Năng không nhớ chính xác ngày mình được đưa vào đây, chỉ biết rằng:“Lúc chuyển từ Bệnh viện Hoàn Mỹ về Bệnh viện dã chiến số 16 tính là chết rồi đó, giờ thì tui được cứu sống rồi”.
Cả 5 người trong gia đình ông Năng gồm hai vợ chồng, con gái và hai cháu ngoại đều mắc Covid-19. Vợ ông bị nặng nên được chuyển đến Bệnh viện dã chiến số 16 trước ông bốn ngày.“Tôi liên lạc với con gái nhưng nó bảo bà ấy chưa rút oxy ra được, con nhỏ có nói hết cho mình đâu. Tôi cũng mới tỉnh hơn một tuần”.
Còn ở phòng 13, Hồi sức tích cực 2, nhiều bệnh nhân đã khỏe mạnh. Cả 3 thành viên gia đình ông Nguyễn Thiện Kính ở Phường 10, Tân Bình, TPHCM may mắn được xếp vào cùng một phòng, họ sắp xuất viện. “Tôi vào đây hơn nửa tháng, tình trạng sốt cao, rất mệt khó thở, nay thấy khỏe nhiều”.
Bà Lê Thị Đê, vợ ông Kính nói xen vào cuộc trò chuyện giữa chồng và phóng viên VOV2, “cả nhà tôi ba người, ông 71 tuổi, tôi 72 tuổi và con gái tên Thảo giường bên cạnh 49 tuổi. Xúc động lắm, nhân viên y tế lo từng cái tã, vệ sinh tại chỗ, lau chùi….Họ vất vả quá đi, trưa - tối - chiều không thấy ngủ”.
“Lấy máu bệnh nhân miết, ven lặn mất tiêu mà tấm chắn giọt bắn của họ mờ đi không thấy luôn, họ mệt đến cái mức độ ấy. Họ đã làm 200% sức lực”, ông Ngô Thành Đông chia sẻ.
“Bên kia là mẹ tôi, và em gái tôi!” ông Đông chỉ về phía đối diện. Cả ba người đều mắc Covid chuyển vào Trung tâm Hồi sức. Lúc vào đây lo nhất là mẹ già, bà 74 tuổi lại có bệnh nền. Hôm vào đây bệnh rất nặng, nồng độ oxy tụt nghiêm trọng, cấp cứu trong ngày. Giờ thì bà đã ổn.
Một ngày mới lại bắt đầu, đầy hơn sắc thái của sự hồi sinh. Ở nơi đây, mỗi bác sĩ, mỗi bệnh nhân ngày ngày chắt chiu từng nhịp thở, chắt chiu từng niềm hy vọng và niềm tin mãnh liệt về một ngày mai bình thường./.