(VOV5) -Mỗi dịp lễ hội hay tết đến xuân về, đồng bào dân tộc Mông lại tổ chức nhiều trò chơi dân gian đặc sắc.
Nổi bật là trò đánh tu lu vốn được lưu truyền, gìn giữ như một nét văn hóa rất riêng của đồng bào. Tuy dễ chơi nhưng khi thi đấu tu lu đòi hỏi người chơi phải có thể lực tốt và sự khéo léo, chính xác.
Nằm trong chuỗi các hoạt động tại Ngày hội hoa sơn tra năm 2023 tại xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La đã diễn ra Hội thi các trò chơi dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc Mông.
Nổi bật là trò đánh tu lu (chơi cù) thu hút 16 đội thi đến từ 2 tỉnh Sơn La và Yên Bái.
Con tu lu đã gắn liền với tuổi thơ của mỗi người Mông. Khi 5 - 6 tuổi là đã được bố mẹ, ông bà làm cho tu lu để chơi cùng bạn bè.
Do khi chơi tu lu thường va đập mạnh, nên người chơi thường chọn những loại gỗ cứng, dẻo như nghiến, đinh, sến... để làm tu lu.
Sau khi chọn được gỗ sẽ đẽo gọt tạo thành hình dạng con quay có hai đầu, đầu nhọn đóng một chiếc đinh cứng làm điểm quay, đầu còn lại được gọt bằng làm điểm đánh của những người chơi khác.
Dây quay tu lu trong tiếng Mông gọi là Lua, được se bằng sợi lanh, dài hơn 1 mét, nối với một đoạn gậy, tiếng Mông gọi là Pa, làm bằng cành cây cứng, hay cành trúc thẳng, nhỏ, cỡ bằng ngón tay cái, dài khoảng 40-60 cm.
Sân chơi tu lu thường là một bãi đất rộng, mặt sân bằng phẳng, xung quanh rộng rãi, đảm bảo an toàn cho cuộc chơi và đủ rộng cho người xem đến cổ vũ.
Trò chơi tu lu có nhiều cách chơi và hình thức thi khác nhau tùy vào mỗi vùng, song phổ biến vẫn là thi biểu diễn và thi chọi quay...
Tại ngày hội, 16 đội thi đã thi đấu theo thể lệ đánh tu lu tĩnh, tiếng Mông gọi là Tàu tùa.
Thiếu nữ Mông xúng xính váy áo đi dự hội.
Mỗi lượt có 2 đội thi đấu, mỗi đội 2 người chơi, 1 đội dùng tu lu để đánh trước, đội còn lại phải quay tu lu để đội bạn đánh.
Mỗi đội sẽ thi đấu 3 vòng, mỗi vòng thi cách nhau từ 3 – 6 mét; vòng 3 là vòng cuối cùng, cũng là thử thách lớn nhất, cần sự khéo léo cùng với sức mạnh, độ phán đoán chính xác của người chơi để đánh trúng tu lu của đội bạn, chính vì vậy đây cũng là vòng thi sôi động nhất, nhận được nhiều sự chú ý nhất.
Trò chơi tu lu không phân biệt tuổi tác, tuy nhiên khi đã vào thi đấu thì thường chọn những người có sức khỏe và có nhiều kinh nghiệm để chơi. Còn bình thường khi chơi giao lưu thì già trẻ, lớn bé đều có thể tham gia chơi đánh tu lu trong tiếng hò reo cổ vũ của người xem.
Cũng tại ngày hội, đã diễn ra cuộc thi giã bánh dày, thi vẽ sáp ong.
Ngày hội đã tạo nên không khí sôi động, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân, du khách tới tham gia, cổ vũ, hòa mình vào không gian văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông nơi đây./.