(VOV5) - Diễn đàn được kỳ vọng sẽ mở ra một không gian học thuật cho những nghiên cứu khủng hoảng, thảo luận về khả năng thích ứng
Trong hai ngày 9 và 10/9 sẽ diễn ra Diễn đàn giáo dục Việt Nam lần thứ hai theo hình thức trực tuyến do Mạng lưới giáo dục EduNet thuộc Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE) phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và Tạp chí giáo dục trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức với chủ đề “Giáo dục đại học thích ứng với khủng hoảng”. Diễn đàn được kỳ vọng sẽ mở ra một không gian học thuật cho những nghiên cứu khủng hoảng, thảo luận về khả năng thích ứng; cũng như đề xuất chính sách, giải pháp hay định hướng chuyển đổi cho giáo dục đại học.
Tiến sỹ Giáo dục học Nguyễn Thụy Phương – Chủ tọa Diễn đàn Giáo dục Việt Nam (VES), Sáng lập viên Mạng lưới giáo dục EduNet của AVSE Global, Giảng viên Đại học Paris trao đổi với phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam những vấn đề chính sẽ được thảo luận tại Diễn đàn giáo dục Việt Nam lần thứ 2.
Tiến sỹ Giáo dục học Nguyễn Thụy Phương – Chủ tọa Diễn đàn Giáo dục Việt Nam VES 2021. Ảnh: NVCC |
Thưa chị Thụy Phương, trước hết có thể thấy chủ đề “Giáo dục đại học thích ứng với khủng hoảng” được Ban tổ chức chọn cho Diễn đàn giáo dục lần thứ hai năm 2021 rất thời sự trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành trên toàn thế giới và đang căng thẳng tại Việt Nam. Vậy cụ thể Diễn đàn sẽ thảo luận những khía cạnh nào của câu chuyện thích ứng với khủng hoảng tại giảng đường đại học?
Diễn đàn này chúng tôi chọn 9 chủ đề thảo luận. Đó là: Công nghệ và công nghệ hóa giáo dục đại học; Quản trị và Quản lý đại học; Đảm bảo chất lượng Giáo dục đại học; Hoạt động dạy và học ở bậc đại học; Chính sách giáo dục đại học; Giáo dục đại học và các mục tiêu phát triển bền vững; Triết lý giáo dục đại học; Đào tạo giáo viên và phát triển đội ngũ giáo viên; Quốc tế hóa giáo dục đại học.
Đây là những chủ đề làm nên diện mạo của nền Giáo dục đại học (GD ĐH) quốc tế, và cũng chính những chủ đề này sẽ làm thay đổi diện mạo của từng nền GD ĐH quốc gia trong những năm tới, tất nhiên, có tác động mạnh của đại dịch COVID-19. Ví dụ, trước đại dịch thì các vấn đề như công nghệ và công nghệ hóa, quốc tế hóa, quản trị... đã trở thành những cuộc cải cách ở nhiều quốc gia. Trong đại dịch và hậu đại dịch đang và sẽ làm cho một số mảng diễn ra nhanh hơn (như công nghệ hóa, quản trị, quản lý) hay biến đổi đi để thích ứng (như chính sách, đào tạo giảng viên).
Diễn đàn Giáo dục Việt Nam 2021. Ảnh chụp màn hình |
Xin chị giới thiệu đôi nét về các chuyên gia, diễn giả sẽ tham dự và phát biểu tại diễn đàn. Và Ban tổ chức kỳ vọng gì và đặt yêu cầu thế nào đối với các diễn giả khi chuẩn bị tham luận cũng như tranh luận tại sự kiện lần này?
Diễn đàn năm nay có 5 diễn giả khách mời đến từ các quốc gia Anh, Ý, Mỹ, Úc đều là những Giáo sư có uy tín. Họ là các GS Phan Lê Hà, Lý Trần, Tommaso Agasisti, Gerald Fry và Simon Marginson.
Chúng tôi mong muốn họ sử dụng chuyên môn hẹp của mình để phân tích nền GD ĐH quốc tế nói chung và đối chiếu nền ĐH VN trong bức tranh quốc tế ở các bình diện quốc tế hóa, chính sách, quản trị, chính trị học.
Chị có thể chia sẻ những kinh nghiệm tại Pháp, châu Âu trong vấn đề chuyển đổi, thích ứng và cải cách của các trường, của hệ thống giáo dục đại học trong bối cảnh thực tế dịch bệnh kéo dài và diễn biến căng thẳng?
Đại dịch này làm cho các nền GD ĐH quốc gia hoặc ho hắng hoặc lên cơn sốt, tùy theo mức độ tác động mạnh đến đâu của Coronavirus ở mỗi quốc gia.
Nhìn toàn cảnh và vĩ mô thì các cơ sở ĐH của các quốc gia đều thích ứng nhanh: giảng đường đóng cửa nên giảng viên và sinh viên gặp nhau trên zoom, teams… nhân viên hành chính & BĐH các trường ĐH, quản lý và quản trị trên các loại platform, việc trao đổi và đón tiếp sinh viên ngoại quốc giảm đột ngột, nghiên cứu thực địa cũng ngưng lại…
Từ thích ứng nhanh đến thích nghi tốt hay không chắc là một đường thẳng tuyến tính. Ví dụ, một trong những vấn đề nhức nhối nhất trong giai đoạn cấm túc là hoàn cảnh sống, điều kiện học & đời sống tinh thần của các sinh viên nội trú và đi ở trọ (ngay ở cả những nước dư dả vật chất).
Và điều đáng lo ngại ở trung và dài hạn là chất lượng đào tạo cho sinh viên vì việc đi thực tập, nghiên cứu đều trở nên khó khăn, việc thi cử cũng không diễn ra như thông lệ. Ở thời điểm này, bước sang năm học thứ 2 của năm COVID, tôi nghĩ các vị Bộ trưởng và những người làm chính sách giáo dục chưa dám tiến hành cải cách nào, vì chúng ta mới đang chỉ thận trọng "chui ra khỏi hầm trú ẩn" sau một trận hỏa hoạn hay một cuộc đại hồng thủy, tôi lấy hình ảnh ẩn dụ như vậy.
Là Giám đốc Diễn đàn Giáo dục Việt Nam VES, xin chị cho biết những kết quả cũng như các bài học kinh nghiệm mà mạng lưới giáo dục AVSE Global đã rút ra từ Diễn đàn Giáo dục Việt Nam lần thứ nhất năm 2020 với một chủ đề khá bao quát: "Trường học ngày mai – Công dân tương lai"?
Diễn đàn Giáo dục Việt Nam là một sự kiện học thuật còn non trẻ vì nó mới chỉ ra đời vào tháng 6/2020, tức là rơi đúng vào đỉnh điểm khủng hoảng của COVID tại châu Âu.
Nói cách khác, Diễn đàn Giáo dục Việt Nam là diễn đàn của Thế hệ Covid. EduNet, trực thuộc Tổ chức AVSE Global, là nhà tổ chức chính cho sự kiện quốc tế thường niên này.
Tầm nhìn và cách thực hiện của chúng tôi là mỗi năm hướng đến một cấp học (phổ thông, đại học, mẫu giáo). Song song với VES, chúng tôi cũng tiến hành những dự án nghiên cứu và tư vấn trong giáo dục và đào tạo với các tỉnh thành ở Việt Nam và ấn bản sách.
Sau VES 2020, cuốn sách đầu tiên EduNet cho ra đời là "Giáo dục phổ thông Việt Nam: Chuyển biến và sáng tạo" (AVSE Global, IPER, NXB Đại học Quốc gia, 2021). Nói cách khác, ấn bản sách, tổ chức diễn đàn và tư vấn chính sách là 3 hình thức hoạt động học thuật song hành của EduNet./.
Quang Dũng (VOV/Paris)
Diễn đàn giáo dục Việt Nam: https://vesvn.sciencesconf.org