Sách dày gần 900 trang, khổ 16x24cm, gồm trên 100 tác phẩm báo chí và cả văn học, trình bầy, in ấn đẹp, sang trọng.
Trong 5 năm qua, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã lần lượt cho ra mắt bạn đọc 4 tác phẩm của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh: Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75, Lời tựa một tình yêu, Thời tôi sống, Viết và Đối thoại. Trong số tác phẩm trên, Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 đã giành được Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015, đến nay cuốn sách được tái bản 4 lần, được dịch sang tiếng Anh giới thiệu với bạn đọc quốc tế, được dịch sang tiếng Lào và trở thành sách Nhà nước Việt Nam trao tặng nước bạn Lào.
|
Bìa cuốn sách "Viết và Đối thoại" |
Nhằm hệ thống hóa lại những tác phẩm tiêu biểu của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh trên chặng đường cầm bút, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã phối hợp với tác giả tuyển chọn và xuất bản cuốn sách Viết và Đối thoại. Với gần 900 trang sách gồm trên 100 tác phẩm, phần lớn được xếp theo trình tự thời gian, được phân ra 3 phần trong Viết và Đối thoại, gồm:
Phần I: Báo chí
Phần II: Phát biểu - Tham luận - Đối thoại
Phụ lục: Tác phẩm và Dư luận
Từ các tác phẩm báo chí, tiểu luận, tham luận, người đọc có thêm một chiều cạnh để tìm hiểu quan điểm của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh về nghề cầm bút. Có lẽ đối với ông, nó đã trở thành duyên nghiệp. Sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (năm 1965), về làm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đến nay, ông đã trải qua trên 50 năm “cầy ải trên cánh đồng chữ nghĩa” như lời tự bạch của ông.
Là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ông may mắn có mặt tại nhiều điểm nóng của cuộc sống và sự kiện lớn của đất nước. Đó là 10 năm (1965-1975) làm phóng viên chiến tranh cho Thông tấn xã Việt Nam tại các mặt trận, chiến trường trong Nam, ngoài Bắc, may mắn được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, có mặt chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên về những giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập.
Trên đường tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, cầu qua sông ở xã Cát Hanh (Bình Định) bị địch đánh sập. Tổng biên tập Thông tấn xã Việt Nam Đào Tùng và phóng viên Trần Mai Hạnh đang bốc đất, đá làm đường cho ô tô bò lên thuyền để vượt sông (Ảnh: Văn Bảo)
|
Đó là những năm tháng làm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam trên các lĩnh vực chính trị - kinh tế - văn hoá - xã hội, là đặc phái viên của Thông tấn xã Việt Nam tại Đại hội thể thao Olympic lần thứ 22 và Đại hội thể thao Hữu nghị thế giới hồi đầu thập niên 1980. Đó là những năm phụ trách các Báo Tuần Tin tức, Tin Buổi chiều của Thông tấn xã Việt Nam, Tạp chí Người làm báo, Báo Nhà báo và Công luận của Hội Nhà báo Việt Nam trong những năm đầu sôi động của sự nghiệp đổi mới báo chí vì công cuộc đổi mới đất nước.
Nhà báo Trần Mai Hạnh - Phó Tổng biên tập Tạp chí Phương Đông - cơ quan ngôn luận của Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông. Ảnh: Mỹ Trà |
Đó là hai nhiệm kỳ (10 năm) được bầu làm Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, là thời gian giữ cương vị Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, tham gia nhiều hoạt động báo chí ở trong nước và thế giới. Cho đến hôm nay, ông vẫn tiếp tục viết và hoạt động báo chí với cương vị Phó Tổng biên tập Tạp chí Phương Đông - cơ quan ngôn luận của Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vừa ra mắt bạn đọc vào dịp Xuân Kỷ Hợi 2019.
Người ta tìm thấy ở "Viết và Đối thoại" một Trần Mai Hạnh dấn thân và trăn trở, canh cánh với nghề cầm bút. Ông quan niệm “Nghề báo gắn với sự kiện. Nhà báo không ký tên vào lịch sử, họ chỉ để lại tên tuổi của mình trong lịch sử chiến công của người khác”. Theo ông, “Một tác phẩm báo chí có sức sống, có sức lay động dư luận xã hội, được đông đảo bạn đọc đồng tình, trước hết phải lựa chọn và đề cập đúng vấn đề do thực tiễn cuộc sống đặt ra, với sự chắt lọc tư liệu trong quá trình khảo sát thực tiễn công phu, với sự đầu tư trí tuệ của người viết bằng tất cả sự say mê nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của tác giả”. Do vậy, mỗi bài báo của ông đều phập phồng hơi thở cuộc sống, vấn đề đề cập tới được mổ xẻ dưới nhiều chiều cạnh, tầng nấc như một tiểu luận có chiều sâu khoa học và ý nghĩa xã hội.
Nhà báo, Nhà văn Trần Mai Hạnh và Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ. |
Với Trần Mai Hạnh, văn và báo dường như không có ranh giới rõ ràng. “Chất văn” và “chất báo” kết hợp một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn và hài hoà trong mỗi tác phẩm của ông. Vì vậy, không chỉ các tác phẩm văn học, ngay cả khi đọc những bài báo, những phát biểu, tham luận, trả lời phỏng vấn và đối thoại, người đọc vẫn cảm nhận được phẩm chất văn chương, hình ảnh, chi tiết được chọn lọc một cách ấn tượng trong sự diễn đạt mềm mại, có chiều sâu gây được hiệu ứng xúc động trong từng trang viết.
Nếu Thời tôi sống là những trang nhật ký văn chương gần như tự truyện về những năm tháng chiến tranh đã đi qua cuộc đời ông, thì Viết và Đối thoại có thể xem là nhật ký bằng các tác phẩm báo chí về cuộc đời làm báo nhiều sóng gió thăng trầm của ông. Những tác phẩm báo chí, và cả văn chương trong Viết và Đối thoại là lát cắt những khoảnh khắc cuộc sống đọng lại trong cuộc đời hơn nửa thế kỷ làm báo, viết văn của Trần Mai Hạnh.
Để giúp bạn đọc có thêm tư liệu trong việc cảm nhận, đánh giá các tác phẩm Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75, Lời tựa một tình yêu, Thời tôi sống, Nhà xuất bản đã đề nghị và được tác giả đồng ý lựa chọn những bài phân tích, đánh giá của các nhà phê bình, nhà văn, nhà báo về bộ ba tác phẩm nói trên thành Phụ lục: Tác phẩm và Dư luận. Sự hiện diện của đông đảo các nhà phê bình, nhà văn, nhà báo tên tuổi với các phát biểu, đánh giá hoặc các bài viết công phu trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo in, báo nói, báo điện tử và truyền hình) về bộ ba tác phẩm Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75, Lời tựa một tình yêu, Thời tôi sống đã làm tăng thêm hàm lượng thông tin, giá trị và sức hấp dẫn của cuốn sách.
Trong Lời tác giả, nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh cũng đã xúc động “bày tỏ sự hàm ơn tới các nhà báo, nhà văn với sự cảm thông, ưu ái đã viết về tôi và tác phẩm của tôi. Chính các bài viết, các cuộc phỏng vấn, đối thoại của các bạn đồng nghiệp dành cho tôi hiện diện không ít trong Viết và Đối thoại, đã làm nên diện mạo của cuốn sách này”.
Cuộc đời làm báo, viết văn của Trần Mai Hạnh không chỉ có vinh quang mà còn có không ít đắng cay, kể cả tai nạn nghề nghiệp và những hệ luỵ. Nhưng niềm tin không gì lay chuyển với lý tưởng cao đẹp của người cộng sản chọn lựa từ đầu và những giờ phút lịch sử của đất nước may mắn được chứng kiến đã giúp ông đứng vững, vượt qua mọi thử thách để đến hôm nay, sau hơn nửa thế kỷ làm báo, viết văn ông vẫn tiếp tục viết và gặt hái được không ít thành công trên “cánh đồng chữ nghĩa” với những giải thưởng văn chương được ghi nhận. Tình yêu đất nước tha thiết trong các trang viết của ông.
Từ cuộc đời làm báo nhiều sóng gió, thăng trầm và không ít nỗi niềm của mình, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí đăng trong cuốn sách này, nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh tâm sự: “Với tôi, cuộc đời thật vô cùng và nó vẫn luôn ở phía trước. Không ai gặp toàn những điều may mắn. Con người rốt cuộc phải vươn lên trong cuộc đời này giữa tổng hoà những điều may mắn và không may mắn, kể cả những oan trái, tai hoạ để cất bước… Cái gì cũng có giá của nó cả”.
"Viết và Đối thoại" ra mắt bạn đọc đúng vào dịp 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2019) không chỉ là sự ghi nhận những đóng góp trong chặng đường hơn nửa thế kỷ cầm bút của nhà báo Trần Mai Hạnh, mà nó còn có ý nghĩa như lời tri ân của chính tác giả với nghề báo, nghiệp văn trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước ông đã dành gần hết cuộc đời của mình lao động, cống hiến./.