Sáng 6/2/2025, tại Khu di sản Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Hội Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội tổ chức lễ dâng hương, khai Xuân tưởng nhớ các bậc tiên đế, các bậc anh minh hiền tài có công với nước. Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì lễ dâng hương.
Chủ tịch nước Lương Cường tới dự lễ dâng hương khai Xuân tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: VOV |
Trước thềm Rồng, Điện Kính Thiên - khu di tích Hoàng thành Thăng Long, nơi hội tụ khí thiêng của non sông đất nước, Chủ tịch nước Lương Cường đã tiến hành các nghi lễ dâng hương và tưởng nhớ các bậc tiên đế, các bậc hiền tài và các thế hệ cha ông đã đổ bao nhiêu xương máu để gìn giữ, bảo vệ non sông nước Việt; báo cáo với các bậc tiền nhân những thành tựu nổi bật, toàn diện của đất nước trong năm qua. Ảnh: VOV |
Lễ dâng hương được thực hiện trang trọng để cầu cho quốc thái, dân an, thiên hạ thái bình, thể hiện lòng thành kính, biết ơn các bậc vua sáng, tôi hiền đã có công khai mở nền văn hiến Thăng Long, khai sáng văn minh Đại Việt, lưu truyền đến thời đại Hồ Chí Minh quang vinh… (Trong ảnh: Chủ tịch nước Lương Cường cùng các đại biểu dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: VOV) |
Đội tế thực hiện nghi thức dâng hương tại Điện Kính Thiên. Ảnh: VOV |
Lễ dâng hương khai Xuân là một hoạt động thành kính, hướng về cội nguồn tổ tiên, tôn vinh các giá trị truyền thống, gìn giữ phong tục tập quán tốt đẹp của cha ông, khơi nguồn tinh hoa văn hóa dân tộc và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Đây cũng là điểm nhấn trong chuỗi sự kiện vui Xuân tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.
Tưng bừng Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn Xuân Ất Tỵ năm 2025
Sáng 4/2/2025 (tức mùng 7 Tết Ất Tỵ), tại cánh đồng Đọi Tín, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, đã diễn ra Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2025.
Lễ hội Tịch điền là nét đẹp văn hóa, cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Ảnh: Phúc Tài/VOV-Giao thông |
Theo sử sách, lễ hội Tịch điền bắt nguồn từ khi vua Lê Đại Hành về chân núi Đọi làm lễ cày ruộng (tịch điền) vào mùa xuân năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (năm 987). Kể từ đó, lễ hội này trở thành một mỹ tục, được các triều đại về sau thực hiện trang trọng, thành kính, bởi ý nghĩa nhân văn và tinh thần khuyến khích sản xuất nông nghiệp.
Đại diện bô lão đọc văn trình vua Lê Đại Hành và kính cáo tổ tiên. Sau màn trống, múa rồng mừng hội, đọc văn trình, dâng hương, nghi trình cày tịch điền sẽ được diễn ra. Ảnh: Phúc Tài/VOV-Giao thông |
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và các đại biểu, khách mời thực hiện nghi lễ dâng hương trước linh vị vua Lê Đại Hành và Thần Nông. Ảnh: Phúc Tài/VOV-Giao thông |
Trong lễ hội, một lão nông được chọn làm lễ nhập linh khí quân vương bước lên lễ đài khấn cáo vua Lê và Thần Nông, mặc áo hoàng bào tái hiện hình ảnh vua Lê Đại Hành.
Tái hiện hình ảnh vua Lê Đại Hành xuống ruộng đi cày 3 sá, theo sau vua sẽ là đoàn gieo hạt giống bao gồm đỗ xanh, lạc và thóc. Ảnh: Phúc Tài/VOV-Giao thông |
Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2025 được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 2 - 4/2/2025 (tức mùng 5 - 7 tháng Giêng năm Ất Tỵ). Trong đó, ngày 3/2/2025 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Ất Tỵ đã diễn hội thi vẽ trang trí trâu với sự tham gia của 18 họa sỹ và nhóm họa sỹ đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực và các họa sĩ là hội viên của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hà Nam.
Khai hội Chùa Hương
Lễ hội chùa Hương năm 2025 có chủ đề “Lễ hội chùa Hương điểm đến du lịch, văn hóa, truyền thống Việt”, diễn ra trong 3 tháng, từ ngày 3/2 đến hết ngày 1/5. Trong đó, Lễ khai hội được tổ chức vào sáng sớm mùng 6 Tết (tức 3/2). Ảnh: VOV |
Trên dòng suối Yến (thuộc Khu di tích và danh thắng Hương Sơn), thuyền đò bắt đầu hoạt động phục vụ du khách từ 4h30 sáng. Mỗi thuyền đò đều có mã QR để du khách có thể kiểm tra thông tin về lái đò cũng như gửi phản hồi về chất lượng dịch vụ. Các thuyền được trang bị đầy đủ áo phao, giỏ đựng rác, ô che mưa nắng và nước uống miễn phí, nâng cao trải nghiệm của du khách. Ảnh: VOV |
Trong ngày khai hội, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền (bên phải) trao quyết định công nhận khu du lịch cấp thành phố cho Di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (chùa Hương). Ảnh: VOV |
Thượng tọa Thích Minh Hiền, trụ trì chùa Hương cùng các đại biểu dâng hương tại lễ khai mạc. Ảnh: VOV |
Lễ hội “rước người” ở vùng đảo Hà Nam, Quảng Ninh
Lễ hội Tiên Công 2025 (Quảng Yên, Quảng Ninh) diễn ra từ ngày 2 - 4/2 (tức mùng 5 – 7 tháng Giêng Tết Ất Tỵ). Thời điểm chính hội, ngày mùng 7 tháng Giêng, năm nay đã có hơn 100 cụ đến tuổi thượng thọ tròn 80, 90 và 100 tuổi dẫn lễ lên miếu Tiên Công, nơi thờ 17 vị Thành hoàng làng đã có công quai đê, lấn biển, lập làng... Ảnh: Vũ Miền/VOV |
Các cụ cao niên trong vùng kể lại rằng: Đầu thế kỷ XV, 17 vị Tiên Công mở đất đã vượt qua bao khó khăn, vất vả để quai đê, lấn biển, lập ấp, dựng làng. Người dân vùng đảo Hà Nam luôn tri ân tiên tổ đã đổ bao mồ hôi và cả xương máu giữ đất. Họ cũng quan niệm rằng sống giữa thiên nhiên khắc nghiệt, thường xuyên phải chống chọi với thiên tai giông bão nên có được sự trường thọ là vô cùng quý báu. Bởi thế, khi các Cụ thọ 80, 90, 100 tuổi sẽ được dòng họ và gia đình tổ chức rước lên miếu Tiên Công cáo yết Tổ tiên, xem đây như là một phúc lớn của gia tộc, dòng họ.
Hình ảnh đẹp nhất và được mong đợi nhiều nhất của lễ hội là các cụ Thượng tròn 80, 90, 100 tuổi được rước trên kiệu rồng, võng đào, diễu hành trang trọng qua các con đường làng trong không khí rộn ràng của trống hội và sự hân hoan của bao thế hệ con cháu. Ảnh: Vũ Miền/VOV |
Cụ Bùi Thị Gỏng (làng Yên Đông, phường Yên Hải), tròn 100 tuổi được con cháu rước lên miếu Tiên Công vào chính hội mùng 7 Tết Ất Tỵ. Ảnh: Vũ Miền/VOV |
Cụ Thượng thọ 100 tuổi mặc áo vàng, biểu tượng cho sự trường thọ và kính trọng tuyệt đối của con cháu. Cụ 90 tuổi mặc áo đỏ, thể hiện sự may mắn, sức khỏe dồi dào, phúc lộc. Cụ 80 tuổi mặc áo xanh, tượng trưng cho sự thanh cao và bền bỉ.
Lễ hội Tiên Công, lễ hội "rước người" ở vùng đảo Hà Nam (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2017. Lễ hội như một "điểm hẹn" của nét đẹp văn hóa "cây có cội, nước có nguồn" của dân tộc Việt Nam dịp xuân mới về. Ảnh: Vũ Miền/VOV |
Hào hứng giải đua thuyền ở huyện sông nước trên cao nguyên Đắk Lắk
Trong không khí tưng bừng của những ngày đầu xuân, ngày 4/2 (tức mùng 7 tháng Giêng năm Ất Tỵ), tại thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, diễn ra Giải đua thuyền nam truyền thống năm 2025. Sự kiện đã thu hút hàng nghìn người dân địa phương cùng du khách tới cổ vũ. Ảnh: Tuấn Long/VOV |
Đây là lần thứ 30, huyện Krông Ana tổ chức Giải đua thuyền mừng xuân. Trường đua là hồ nhân tạo ngay đầu thị trấn Buôn Trấp, với cảnh quan nửa bề núi non nửa bề sông nước. Ảnh: Tuấn Long/VOV |
Giải đua năm nay quy tụ trên 200 tay chèo, thuộc 12 đội đua, đến từ hai xã Quảng Điền và Bình Hoà, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. Các đội thi đấu vòng loại, chọn ra 4 đội vào bán kết, lựa chọn 2 đội thắng ở bán kết vào tranh cúp vô địch. Ảnh: Tuấn Long/VOV |
Ban Tổ chức trao cúp vô địch cho đội đua số 5 thuộc thôn 2, xã Bình Hòa, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Tuấn Long/VOV |