(VOV5) -Không chỉ là một họa sĩ có tài, một phụ nữ đẹp quý phái, bà Đoàn Thị Thu Hương, nguyên Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTT&DL) còn là một người có tâm huyết với Trường Sa.
Khi xảy ra sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD981 trái phép trên thềm lục địa của Việt Nam năm 2014, lúc ấy, với tư cách Tổng biên tập Tạp chí Mỹ thuật & Nhiếp ảnh, chị đã tổ chức một ấn phẩm đặc biệt về Biển Đông và ngay trong thời điểm khó khăn đó, chị cùng các đồng nghiệp Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm ra Trường Sa. Trở về, chị cùng đồng nghiệp tổ chức một triển lãm đầy tính thời sự về Trường Sa thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng.
Cũng kể từ đó, năm nào chị cũng ra với Trường Sa nắng gió để sẻ chia những khó khăn cùng quân và dân huyện đảo này. Và với những bức ký họa tại chỗ của mình, chị đã mang đến cho các chiến sĩ một sự động viên bất ngờ và đầy cảm động. PV VOV5 đã có dịp trò chuyện cùng chị tại Trường Sa:
Họa sĩ Đoàn Thị Thu Hương: Tôi quý từng giây từng phút khi có cơ hội được đến với các điểm đảo nổi, đảo chìm trên quần đảo Trường Sa. Ở nơi đầu sóng ngọn gió, tôi gặp các gương mặt làm tôi xúc động, đó là những chất liệu tạo nên cảm xúc cho những sáng tác sau này của tôi.
Tôi vô cùng cảm phục những người chiến sĩ và người dân sinh sống trên quần đảo Trường Sa. Nơi sóng gió như vậy mà mọi người vẫn vượt lên trên muôn vàn khó khăn để sống và chiến đấu, gìn giữ từng tấc đất quê hương, quyền chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Sau 2 ngày 2 đêm ở trên tàu, thật xúc động khi bình minh ngày thứ 3 chúng tôi thấy đảo và được đặt chân lên đảo - nơi mà không có nhiều người được đặt chân đến. Cảm xúc trào dâng khi ngắm nhìn một phần máu thịt của Tổ quốc ở nơi xa xôi. Tôi vô cùng may mắn hơn rất nhiều người khác được đến nơi địa đầu của Tổ quốc, được ra nơi đầu sóng ngọn gió, nơi những người lính và ngư dân đang vượt qua mọi khó khăn từ việc thiếu nước ngọt cho đến rau xanh, đồ dùng… bởi vì giữa nơi trùng khơi, điều kiện sinh hoạt rất khắc nghiệt. Chứng kiến những điều đó, tôi vô cùng xúc động, cảm xúc cứ trào dâng trong tôi, như chất xúc tác để tôi có thể sáng tạo sau này.
PV: Cảm nhận của chị về khoảnh khắc trao tặng bức ký họa cho người chiến sĩ?
Họa sĩ Đoàn Thị Thu Hương: Quả thật rất xúc động. Cả hai bên cùng xúc động. Khi ký họa tôi thường chọn những gương mặt quả cảm và trẻ trung. Ngoài đó có những thanh niên mới chỉ có 18-19 tuổi lần đầu tiên xa nhà và đứng giữa biên cương tổ quốc, giữa biển trời, không một bóng cây và bóng hình người lính thì đổ dài trên nền đất hơn 40 độ.
Họa sỹ Đoàn Thị Thu Hương đã ký họa chiến sỹ ngay tại công sự. Ảnh: Chu Thu Hảo |
Khi các đại biểu lên đảo ngồi giao lưu với nhau với các tiết mục thắm đượm tình quê hương, thì người lính kia vẫn phải canh gác, điều đó khiến tôi càng xúc động vì một gương mặt rất trẻ, đứng quay ra bờ biển canh gác cho mọi người giao lưu cất cao lời ca tiếng hát. Và tôi khắc họa gương mặt ấy. Có những cháu mới ra đảo được 3 tháng mà đã sút mấy cân nhưng vẫn nói với tôi rằng: “Cháu quen rồi”. Tôi hỏi: “Thế chiến sự xảy ra thì sao?”. “Cháu sẵn sàng chiến đấu, chúng cháu ra đây là chúng cháu xác định rồi ạ. Kể cả hi sinh thân mình. ” - cậu ấy nói trong khi tôi ký họa. Khi cháu được tặng bức ký họa ấy, cháu xúc động lắm và tôi cũng rưng rưng. Những điều xảy ra khiến tôi cảm thấy mình quá nhỏ bé trước sự hi sinh lớn lao của tuổi trẻ.
Vâng, xin cảm ơn chị!