Ngắm hoa gạo nở đỏ rực trên những nẻo đường làng quê Bắc Bộ
CTV Tuấn Anh/VOV.VN -  
(VOV5) - Với nhiều thế hệ người Việt, hoa gạo dường như đã gắn liền trong một phần ký ức thời thơ ấu.
"Bao giờ cho đến tháng 3, hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn". Thời điểm này nhiều con đường ở các vùng quê trải dài màu đỏ rực của hoa gạo đem lại nhiều cảm xúc về một miền quê Bắc Bộ yên bình.
Cây gạo trong khuôn viên chùa Thầy (Sài Sơn – Quốc Oai – Hà Nội) khoe sắc tuyệt đẹp đúng vào dịp hội chùa Thầy sắp diễn ra. |
Chương Mỹ và Mỹ Đức là hai huyện ngoại thành Hà Nội trồng nhiều cây gạo. Trong đó, hàng cây gạo của thôn Đoan Nữ - Mỹ Đức từ lâu đã được rất nhiều người biết tới. |
Trong quan niệm dân gian của người làng quê Bắc Bộ, cây gạo là cây “giữ ma” vì vậy được trồng nhiều ở cánh đồng hay đầu làng. Hàng cây gạo thôn Đoan Nữ được trồng trên con đường dẫn vào khu nghĩa trang, hai bên là con kênh nước và đồng lúa xanh mướt tạo nên bức tranh đậm chất làng quê Bắc Bộ. |
“Những năm trở lại đây hàng hoa gạo không còn nở đều như ngày trước, hai cây đầu làng đã nở xong và rụng gần hết hoa”, bà Hiếu – một người dân thôn Đoan Nữ cho biết. |
“Nhớ ngày bé lũ trẻ như chúng tôi ngày nào cũng nô đùa dưới gốc gạo, hái hoa gạo để ăn mà giờ đầu ai cũng đã hai thứ tóc”, hàng cây gạo đã gắn liền với tuổi thơ của bà Hiếu cũng như nhiều thế hệ người Đoan Nữ. |
Ngày cuối tuần dù thời tiết xấu, có mưa nhưng hàng cây gạo thôn Đoan Nữ vẫn thu hút rất nhiều người tìm tới để “săn ảnh”. |
Hoa gạo có năm cánh khi nở màu đỏ tươi như những đốm lửa đang cháy bập bùng. Khi rơi cánh hoa xoay như chong chóng rất đẹp mắt. |
Theo kinh nghiệm nhà nông xưa, hoa gạo là tín hiệu nhận biết thời điểm giao mùa cũng là kinh nghiệm để người nông dân có một mùa vụ bội thu, có rất nhiều câu ca dao về hoa gạo như: "Bao giờ đom đóm bay ra - Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng". |
Không chỉ lưu giữ nét đẹp của làng quê, hàng cây gạo từ lâu còn trở thành niềm tự hào của người dân Đoan Nữ, nhắc về Đoan Nữ không ai không biết tới hàng mộc miên tựa một bức tranh thơ mộng đặt ngay tại đầu làng. |
Hầu như làng quê Bắc Bộ nào cũng có ít nhất một cây gạo, sừng sững giữa cánh đồng hay trầm lặng đứng cạnh cổng làng. Với những người con xa xứ, ngày trở về chỉ cần thấy bóng dáng cây gạo lấp ló như biết rằng mình đã đặt chân lên mảnh đất quê hương. |
Cây gạo Thần Nông trước cổng thôn Phan Dư (xã Cao Phong, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) đã hơn 300 tuổi, được vinh danh là Cây Di sản Việt Nam. |
Qua hơn ba thế kỷ, hai cây gạo sừng sững đã chứng kiến biết bao những thăng trầm của ngôi làng. Hai cây gạo như một nhân chứng sống cho phong trào đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm của người Cao Phong. |
Cũng như cây đa, giếng nước, sân đình… cây gạo từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu của hồn quê Bắc Bộ. Cuộc sống hiện đại vội vã, ai cũng mong mau trở về nhà sau ngày làm việc mệt nhọc nhưng vẫn có cảm giác bình yên, dịu vợi khi đi ngang những con đường ngập tràn sắc đỏ hoa gạo./. |
CTV Tuấn Anh/VOV.VN