Ngắm từ trên cao những cây cầu ở Hà Nội bắc qua sông Hồng
Viên Minh/VTCnews -  
(VOV5) - Những cây cầu bắc qua sông Hồng góp phần kết nối giao thương, mở rộng không gian phát triển và là điểm nhấn về kiến trúc, văn hoá của Thủ đô.
|
Theo Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, Hà Nội dự kiến sẽ có tổng cộng 18 cầu vượt sông Hồng, trong đó, 9 cầu đã hoàn thành gồm: Long Biên, Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Trung Hà và Văn Lang. |
|
Cầu Long Biên được Pháp thiết kế và khởi công xây dựng năm 1898, đến 1902 hoàn thành. Đến nay, cầu đã 122 năm tuổi và là cây cầu thép lâu đời nhất Việt Nam. |
|
Khi mới được xây dựng, cầu Long Biên là cây cầu lớn nhất Đông Nam Á với 2.990 m chiều dài và 896 m cầu dẫn. Cây cầu ban đầu được thiết kế chỉ dành cho đường sắt, với hai bên cầu có vỉa hè rộng 1,3 m cho người đi bộ, xe kéo và xe đạp. Ô tô khi đó phải qua sông bằng phà. Đến năm 1914, việc cải tạo cầu để dành cho ô tô đã được cân nhắc, nhưng phải chờ đến sau Thế chiến I thì việc mở rộng để có làn đường bộ mới được thực hiện. |
|
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cầu Long Biên hứng chịu 14 lần bị ném bom. Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất (1965-1968), máy bay Mỹ đã ném bom cầu Long Biên 10 lần, làm hư hại 7 nhịp cầu và 4 trụ lớn. Trong cuộc chiến phá hoại lần thứ hai (1972), cầu bị tấn công 4 lần, làm hỏng 1.500 m cầu và cắt đứt hai trụ lớn. Để duy trì giao thông, các nhịp cầu bị hư hỏng nặng đã được thay thế bằng các dầm bán vĩnh cửu. |
|
Cầu Chương Dương được đưa vào sử dụng năm 1985 - 1986, trở thành nút giao thông quan trọng và hiệu quả của Thủ đô. Thiết kế ban đầu ước tính đáp ứng được 7.000 phương tiện mỗi ngày nhưng sau đó lượng xe cộ tăng gấp 3 - 4 lần. |
|
Cuối những năm 90, cầu Chương Dương liên tục quá tải, Hà Nội liền cho xây dựng hệ thống vòng xoay ở phía Nam của cầu góp phần giải quyết phần nào tình trạng tắc nghẽn ở lối lên xuống (hướng đường Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật). |
|
Cầu Chương Dương dài 1230 m, gồm 21 nhịp, chia làm 4 làn xe chạy hai chiều, mỗi bên rộng 5 m. Đây là cây cầu lớn lần đầu tiên do người Việt Nam tự thiết kế, thi công. |
|
Cầu Thăng Long được khởi công xây dựng khoảng năm 1973, khánh thành ngày 9/5/1985. Đây là cây cầu có thời gian thi công lâu nhất ở Hà Nội và được đánh giá là công trình tầm cỡ lớn nhất khu vực Đông Nam Á thời kỳ đó. Cầu giàn thép dài 3.250 m, gồm 2 tầng với 25 nhịp phần cầu chính và 46 nhịp cầu đường dẫn của đường sắt và đường xe thô sơ. Hai làn cầu riêng biệt, rộng 3,5 m (1 làn) dùng cho xe thô sơ. |
|
Phần giữa tầng 1 là đường dành cho tàu hỏa rộng 11 m và xe máy, xe đạp. Tầng 2 dành cho các loại xe cơ giới có chiều rộng 21 m, mặt cầu bê tông, 2 làn dành cho người đi bộ tham quan. Đến nay, cầu Thăng Long vẫn được coi là cây cầu có nhiều cái “đầu tiên” như: Lần đầu tiếp cận hệ thống tụ nhiệt, lần đầu tiên lắp cụm dầm thép, lần đầu tiên người thợ thi công cầu Việt Nam và Liên Xô cùng thi công lắp cụm dầm thép. |
|
Ngoài các cây cầu lâu đời, những năm qua Hà Nội đầu tư xây dựng nhiều cầu hiện đại góp phần cải thiện tình trạng giao thông trên các tuyến đường huyết mạch. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến cầu Nhật Tân, biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản và cũng là cây cầu hiện đại nhất trong các cây cầu của Hà Nội. |
|
Cầu Nhật Tân có kết cấu dây văng, dài 3.900 m nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh, xây dựng từ năm 2009 đến năm 2015. Cầu có tổng chiều dài 9,17 km, trong đó phần cầu chính là 3,9 km (đoạn cầu vượt sông Hồng chiếm 1,5 km) và phần cầu dẫn dài 5,27 km. |
|
Nối quận Hai Bà Trưng và Long Biên, cầu Vĩnh Tuy khởi công năm 2005, khánh thành giai đoạn 1 năm 2010, giai đoạn 2 đưa vào sử dụng năm 2023. Cầu được thi công với công nghệ đúc hẫng, có chiều dài nhịp đúc hẫng đạt kỷ lục 135 m, so với cầu Thanh Trì là 130m. |
|
Đây là cây cầu có chiều rộng mặt cắt ngang lớn nhất Việt Nam với 8 làn ô tô (40 m). Ngoài ra, cầu Vĩnh Tuy còn nắm giữ kỷ lục về kết cấu chuỗi nhịp chính vượt sông lớn nhất, với 8 nhịp liên tục đúc hẫng dài 990 m, trong đó có nhịp đúc hẫng lớn nhất dài 135 m. Công trình này được thiết kế với kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực, có khả năng chịu đựng động đất cấp 8. |
|
Cầu Văn Lang (cầu Việt Trì - Ba Vì) nối Hà Nội với Phú Thọ, nằm ở phía tây bắc Thủ đô, kết nối Quốc lộ 32 và Quốc lộ 32C. Công trình do doanh nghiệp đầu tư theo hình thức BOT. |
|
Cầu khởi công tháng 8/2016, thông xe tháng 10/2018, dài 1,5 km, rộng 12 m với hai làn xe cơ giới và hai làn hỗn hợp, kết cấu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. |
|
Cầu Thanh Trì khánh thành và thông xe vào tháng 2/2007. Cầu bắt đầu từ điểm cắt Quốc lộ 1A tại Pháp Vân, huyện Thanh Trì, điểm cuối cắt Quốc lộ 5 tại Sài Đồng, huyện Gia Lâm. |
|
Cầu Thanh Trì có tổng chiều dài 12,8 km, trong đó chiều dài cầu chính vượt sông dài hơn 3 km, rộng 33 m với 6 làn xe chạy (4 làn xe cao tốc), tốc độ cho phép 80 km/h. |
|
Cầu Vĩnh Thịnh bắc qua sông Hồng trên Quốc lộ 2C, nối thị xã Sơn Tây (TP Hà Nội) với huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc). Cầu khởi công tháng 12/2011, thông xe tháng 6/2014. |
|
Đây là cầu vượt sông dài nhất Việt Nam, với chiều dài 5,4 km, trong đó phần cầu chính dài 4,4 km và đường dẫn dài khoảng 1 km. Mặt cầu rộng 16,5 m, gồm 4 làn xe, tốc độ tối đa 80km/h. |
Viên Minh/VTCnews