Người dân an tâm khi mua sắm tại các điểm bán hàng lưu động
(VOV5) - Việc tổ chức các điểm bán hàng lưu động vừa đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, vừa thực hiện hiệu quả công tác phòng dịch.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các ca F0 liên tục xuất hiện trong cộng đồng, xâm nhập vào các chợ truyền thống thì việc tổ chức các điểm bán hàng lưu động vừa đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, vừa thực hiện hiệu quả công tác phòng dịch.
Ngay sau khi thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhiều quận đã sáng tạo triển khai các điểm bán hàng lưu động nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu về lương thực, thực phẩm của người dân trong thời gian này. |
Sự ra đời của các siêu thị mini lưu động đã nhận được những phản hồi tích cực của người dân. |
Theo ghi nhận của PV, tại 2 điểm bán hàng lưu động thuộc quận Ba Đình là trường THCS Phúc Xá và trường THCS Ba Đình, lực lượng chức năng bố trí các gian hàng cung cấp các mặt hàng thiết yếu đảm bảo nhu cầu mua sắm của nhân dân. |
Tất cả các nguồn hàng như thực phẩm tươi sống và thực phẩm khô đa dạng, phong phú, có mức giá bằng giá bán tại các siêu thị. |
Tại các siêu thị mini này đều có bảng giá niêm yết cụ thể để người dân dễ dàng tham khảo, an tâm mua sắm, góp phần giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng khi hạn chế tập trung đông người tại các chợ cũng như siêu thị. |
Hầu hết những điểm bán hàng lưu động này được dựng lên ở khu vực rộng rãi, thoáng mát, các biển báo bảo đảm giãn cách được đặt ở vị trí để người mua dễ dàng nhìn thấy. |
Các gian hàng đều được lắp vách ngăn trong suốt, tránh tiếp xúc trực tiếp giữa người bán và người mua. Khách mua hàng cũng phải thực hiện khai báo y tế và tuân thủ các quy định phòng, chống dịch Covid-19. |
Người tới mua hàng viết phiếu đi chợ với các loại hàng hóa sẽ mua để đưa cho nhân viên. |
Nhân viên siêu thị sẽ nhận phiếu mua hàng của người mua qua một ô vuông nhỏ trên vách ngăn, đảm bảo không có sự tiếp xúc giữa người bán và mua. |
Có mặt tại điểm bán hàng lưu động trường THCS Ba Đình, chị Ngô Thị Thanh Bình (phường Ngọc Hà, Ba Đình) chia sẻ: “Tôi biết đến điểm bán hàng lưu động này qua Hội Phụ nữ của tổ dân phố nơi tôi ở. Đây cũng là lần đầu tiên tôi tới đây, thế nhưng bản thân tôi cảm thấy rất thoải mái khi đi chợ kiểu này bởi không đông đúc, đảm bảo giãn cách, người tới mua hàng cung cấp đầy đủ các thông tin như khai báo y tế hay quét mã QR. Cửa hàng có các tấm che vách ngăn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; các mặt hàng đa dạng, người mua có thể lựa chọn, giá cả được niêm yết trước cửa hàng”. |
Trong bối cảnh đã xuất hiện nhiều ca F0 trong cộng đồng thời gian qua khiến cho nhiều chợ truyền thống, siêu thị, nhất là một số chợ đầu mối bị phong tỏa tạm thời hoặc dừng hoạt động thì việc thành phố Hà Nội triển khai các điểm bán hàng lưu động để đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm lương thực, thực phẩm của người dân thủ đô là việc làm cần thiết và kịp thời. |
Tính đến nay trên địa bàn thành phố có 8.216 điểm bán hàng bình ổn giá để phục vụ nhân dân, đồng thời Hà Nội cũng đã sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động do các quận, huyện, thị xã bố trí./. |
Nguyễn Hà/VOV.VN