(VOV5) - Họa sĩ Lê Kinh Tài – một trong những nghệ sĩ “cá tính và gây tranh cãi nhất” hội họa Việt Nam đương đại vừa khai mạc triển lãm cá nhân của mình với tên gọi “Nhìn lại – Retrospective” tại Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) – Hà Nội.
“Nhìn lại – Retrospective” tập trung vào giai đoạn phong cách nghệ thuật đã đạt độ chín của họa sĩ Lê Kinh Tài với cái tôi được thể hiện mạnh mẽ trong tác phẩm. Mang tinh thần “tự phơi bày bản ngã của mình trên mặt tranh” thay vì đơn thuần “chinh phục cái đẹp thị giác”, các tác phẩm được giới thiệu trong “Nhìn lại – Retrospective” đều đặc biệt ấn tượng và có chiều sâu bản thể.
Họa sĩ Lê Kinh Tài |
Lần đầu tiên, toàn bộ mặt bằng trưng bày 2.000m2 của VCCA được mở thông toàn bộ, cho phép khán giả chiêm ngưỡng 9 tác phẩm điêu khắc độc đáo và gần 30 bức tranh khổ lớn, trong đó có bức họa dài tới 6m trên cùng một không gian.
Điểm chung của các tác phẩm là sắc thái trào phúng, giễu nhại, khai thác các vấn đề xoay quanh bản ngã của con người, dù biểu hiện ra bên ngoài hay “ẩn nấp” trong các hình thái giao tiếp văn hóa xã hội, các đối thoại giả lập giữa hai phần “con” và “người”. Với “Retrospective”, Lê Kinh Tài không đơn thuần ngoái đầu về quá khứ “nhìn lại” con đường đã đi qua mà “nhìn lại” chính mình, nhìn vào những lớp đổi thay tại tầng sâu bên trong sau 20 năm sáng tác.
“Khi ở trong studio, tôi không hề nghĩ mình đang vẽ mà là đang tự sự với chính mình. Người khác dùng con vật nhân cách hóa làm con người trong nghệ thuật, còn tôi muốn làm ngược lại, dùng con người mà làm thú vật hóa đi để nêu được cái bên trong của chúng ta, nêu bật được cái bản ngã con trong mỗi con người chúng ta. Tôi muốn công chúng nhìn nhận hội họa Lê Kinh Tài một cách khách quan dưới cái nhìn chủ quan của Lê Kinh Tài”, họa sĩ bày tỏ.
Tác phẩm “Nhìn về phương Đông” (sơn dầu + sơn thỏi + sơn bột + heavy body acrylic trên vải bố gai, 200 cm x 500 cm, 2015) của Lê Kinh Tài với giá bán 400.000 USD |
Chiêm ngưỡng tranh Lê Kinh Tài, người xem có thể cảm nhận được năng lượng tích cực giữa một không gian ngập tràn màu sắc của hiện thực đời sống, của những công dân thế kỷ 21 phập phồng hơi thở đương đại, của một xã hội tiêu thụ - nơi các giá trị va chạm, xung đột và giao thoa….
Tác phẩm “Warior” (sơn dầu + sơn thỏi + sơn bột trên vải bố, 300 cm x 600 cm, 2015) |
Lê Kinh Tài là một trong những hiện tượng đặc biệt của nền mỹ thuật đương đại Việt Nam với phong cách gây nhiều tranh cãi, đón nhận những luồng đánh giá ở các thái cực hoàn toàn đối lập. Họa sĩ tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật năm 1997 này đã nhanh chóng trở thành một trong những gương mặt nổi bật của đời sống mỹ thuật TP.HCM sau năm 2000 và là tác giả có giá bán tranh thuộc “top” cao trên thị trường nghệ thuật. Thu Hòa – một nhà sưu tập có tiếng Hà Nội cho biết, rất thích tranh của Lê Kinh Tài bởi có tranh rất có hồn và bút lực mạnh mẽ. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các nhà sưu tập trong nước chưa đủ lực để mua tranh của họa sĩ này vì giá quá cao. Trong khi đó, nhiều người không đánh giá cao tranh của Lê Kinh Tài và cho rằng anh đang “hét” giá ảo.
“Rất nhiều người đặt ra câu hỏi là tại sao các tác phẩm ở triển lãm lại có số tiền cao như thế. Khi anh đã bước chân vào nghề, ngoài việc anh phải sáng tác nghệ thuật thì còn phải biết bức tranh đó được định giá bao nhiêu, nhưng anh không có quyền, thị trường sẽ quyết định điều đó”, họa sĩ Lê Kinh Tài giãi bày.
Tác phẩm “5 triệu, 50 triệu, 100 triệu năm nữa chúng ta đi về đâu” (sơn dầu + sơn thỏi + heavy body acrylic trên vải bố, 150 cm x 330 cm, 2010) |
Tranh Lê Kinh Tài được nhiều cá nhân sưu tập, trong đó, “khách hàng” đặc biệt - bà Chua G.Bee (Zen Gallery) đã sưu tầm tranh Lê Kinh Tài suốt nhiều năm để thực hiện một dự án giới thiệu tác giả, tác phẩm tại các bảo tàng đương đại ở Mỹ, Hong Kong (Trung Quốc), Chile, Singapore, Indonesia... Một số nhà sưu tập như bà Chua G.Bee đã âm thầm “liên minh” với nhau để làm giá, giữ giá. Trước mỗi triển lãm, Lê Kinh Tài đều hỏi giá sàn của họ để thống nhất. “Cách bức tranh được định giá bao nhiêu phụ thuộc vào thị trường do chính các nhà sưu tầm tạo ra. Thị trường của Tài nằm ở nước ngoài”, họa sĩ cho biết.
Một nhà sưu tập Việt Nam rất yêu thích tranh của Lê Kinh Tài tiếc nuối cho rằng, việc liên minh “làm giá” này gây thiệt hại cho giới sưu tập tranh và thị trường mỹ thuật Việt Nam vì không đủ sức giữ lại các tác phẩm giá trị ở lại trong nước.
Một tác phẩm điêu khắc của họa sĩ Lê Kinh Tài. |
Tò he. |
Với tinh thần thần lao động nghệ thuật nghiêm túc, chuyên nghiệp cùng khát vọng đưa nghệ thuật đương đại Việt Nam ra thế giới - đến nay, Lê Kinh Tài đã có hơn 10 triển lãm cá nhân, gần 30 triển lãm chung trong và ngoài nước. Ông nhiều lần giành học bổng tham gia các chương trình nghệ sĩ lưu trú đáng chú ý như học bổng toàn phần năm 2011 của Bảo tàng Haslla Artworld, Hàn Quốc; học bổng toàn phần của các chương trình nghệ sĩ lưu trú năm 2009, 2011 tổ chức bởi Vermont Studio Center, Mỹ…
“Rất may mắn cho tôi khi những ngày đầu mới bước chân vào nghề tôi đã gặp được những curator - các chuyên gia có tên tuổi của quốc tế, họ đã giúp tôi tổ chức triển lãm ở nhiều nơi trên thế giới”, họa sĩ Lê Kinh Tài lý giải về một trong những yếu tố tạo nên thành công của mình.
Triển lãm “Nhìn lại - Retrospective” mở cửa tự do đón công chúng từ ngày 15/10 đến hết ngày 12/11/2017 tại Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom VCCA, B1-R3 Vincom Royal City, 72 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. Trong khuôn khổ của Triển lãm, họa sĩ Lê Kinh Tài cũng có buổi chia sẻ với công chúng về con đường nghệ thuật mà ông theo đuổi vào ngày 11/11.