(VOV5) -Truyện của Hoài Hương giàu tính thời sự, mang không khí của thời đại.
Tác phẩm “Phù sa châu thổ”- NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh và Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh- 12/2021, của nhà văn Hoài Hương gồm 12 truyện ngắn và 5 tạp văn, theo chủ đề “Tiếp bước mùa thu rồi ngày 23”.
Bối cảnh trong những truyện ngắn này khá đa dạng, đó có thể là những hoạt động khoa học như khoa học nông nghiệp, công nghệ thông tin cho đến hoạt động của giới văn học nghệ thuật. Một vài truyện của chị có thể xếp vào văn học sinh thái rất thời thượng hiện nay, như “Phù sa châu thổ”, “Thanh xuân thành phố”. Trong lĩnh vực nào, Hoài Hưng cũng tỏ ra có những am hiểu nhất định, từ lĩnh vực khoa học đến nghệ thuật như hội họa, điện ảnh, ca nhạc.
Truyện của Hoài Hương giàu tính thời sự, mang không khí của thời đại, từ chuyện môi trường sinh thái đến cơn hồng thủy của đại dịch Covid-19 vẫn còn đang nóng bỏng hiện nay, đặc biệt là những câu chuyện của tuổi trẻ năng động trong thời đại thông tin, thể hiện ở những nhân vật chính trẻ trung, sôi nổi. Chị cũng nắm bắt được ngôn ngữ của giới trẻ, ngôn ngữ của thế hệ GenZ với những netizen, với những trend, style… Nhờ vậy mà văn phong chị trẻ trung, linh hoạt.
Đọc truyện ngắn Hoài Hương, thấy một sự lạc quan không hề nhỏ của nhà văn về tương lai của thành phố mang tên Bác, một sự tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của đất nước, đặc biệt là niềm tin ở thế hệ trẻ. Nhân vật chính nào trong “Phù sa châu thổ” cũng trẻ trung, ngoại hình đẹp đẻ, có kiến thức sâu rộng, giỏi giang …
Nữ thì có Phù Sa trong truyện “Phù sa châu thổ”, một trí thức Việt Kiều trẻ nặng lòng với quê hương, với môi trường sinh thái của đồng bằng sông Cửu Long; Có Châu Long con nhà danh gia vọng tộc nhưng lại đam mê nghiên cứu các giống lúa để trở thành thạc sĩ chuyên ngành lúa gạo trong “Giấc mơ cánh đồng lúa Rồng”; Có cô MC Diệu Hoàng cá tính, xinh đẹp, là KOL của giới trẻ trong truyện “Covid đi qua, tình yêu ở lại”.
Đặc biệt những nhân vật nam chính thường là “nam thần” có vóc dáng chuẩn, cao trên 1m8, ngoại hình như người mẫu như Hoàng của “Phù sa châu thổ”, Việt trong “Vâng!Đó là thành phố quê hương tôi”, Tuấn trong truyện “Tuồi 20 sóng gió, tuổi 25 ngọt ngào”, Linh tiến sĩ luật trong “Người học trò bí ẩn và gia sư sang chảnh”, Minh trong “Covid đi qua, tình yêu ở lại”, chàng ca sĩ kiêm nhạc sĩ Giang ở truyện “Trong cơn mê giữa hai bờ sinh tử”, Hoàng Lâm tiến sĩ nông học, soái ca của Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế IRRI trong “Giấc mơ cánh đồng lúa Rồng” …
Họ đều có tâm hồn trong veo không tì vết, luôn sống vì lý tưởng, vì quê hương đất nước, vì thành phố thân yêu của mình. Họ có thể gặp những thử thách do hoàn cảnh khó khăn, do bị những con người cơ hội ngăn trở. Họ dẫu có lỗi lầm, vấp ngã nhưng rồi cuối cùng cũng vượt qua được tất cả để chiến đấu, để thực hiện được lý tưởng phục vụ cho thành phố, cho đất nước của mình, nhờ bản thân có sự tỉnh thức kịp thời, nhờ sự giúp đỡ của những con người tốt xung quanh họ.
Cũng nhờ vậy mà họ đã giành được những tình yêu của những cô gái cũng xinh đẹp, giỏi giang không kém. Tuấn trong truyện “Tuồi 20 sóng gió, tuổi 25 ngọt ngào” chẳng hạn, một chàng trai có tài năng về IT nhưng ngoại hình xấu xí nhờ sự giúp đỡ của Madame CEO công ty mà trở thành nam thần với uớc mơ cống hiến cho thành phố thân yêu của mình, để nó trở thành “một thành phố thông minh, một thành phố rực rỡ sánh ngang tầm những thành phố lớn nhất của hành tinh Trái Đất”.
Việt trong “Vâng! Đó là thành phố quê hương tôi” là một họa sĩ trẻ có tài, đã vượt qua những cám dỗ của đồng tiền để sống đến cùng với lý tưởng vì nghệ thuật của mình, cũng vì thành phố quê hương của mình. Minh, một tiến sĩ y khoa trong “Covid đi qua, tình yêu ở lại” đã chiến đấu hết mình vì sức khỏe của nhân dân thành phố, vì thế mà đã giành được tình yêu của nàng MC Diệu Hoàng xinh đẹp, giỏi giang từ tay một nam thần IT nhưng ích kỷ, hèn nhát khi đối diện với đại dịch Covid-19.
Trong những truyện ngắn ở “Phù sa châu thổ”, tôi đặc biệt thích truyện ngắn “Mùi của mẫu hậu”. Dù truyện này không có tính thời sự như các truyện ngắn khác, nhưng tôi đã tìm thấy ở đó sự tinh tế mà chỉ có một cây bút nữ mới thể hiện được khi miêu tả những sắc thái khác nhau trong tâm trạng của nhân vật đóng vai thái tử lúc casting với những ứng viên vào vai mẫu hậu.
Nhà văn Hoài Hương. Ảnh: FBNV |
Về năm tạp văn của Hoài Hương trong tập sách này, trừ “Thanh xuân cùng văn chương thành phố” là những tâm tình của nhà văn về Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, về thành phố mà chị đã gắn bó 46 năm nay, còn những tạp văn khác cũng là những trăn trở về việc giữ gìn truyền thống đấu tranh trong kháng chiến, về môi trường sinh thái đang bị hủy hoại. Đây hẳn là những ưu tư thường trực của nhà văn.
Có thể nói, tập truyện ngắn “Phù sa châu thổ” của nhà văn Hoài Hương như “Lời nói đầu” của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh, vẫn mang đậm “mạch cảm hứng, dòng chảy truyền thống cách mạng, quê hương”, tác giả “đầy cảm xúc, say đắm khi viết về mảng đề tài này”.
Xin chúc mừng nhà văn Hoài Hương với tác phẩm mới này, mong chị sẽ có nhiều tác phẩm thành công hơn nữa./.