(VOV5) - Hôm qua, 20/3, Viện Toán học, Trung tâm Thông tin – Tư liệu kết hợp với Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn (Vin Bigdata) tổ chức kỷ niệm Ngày Toán học quốc tế, với chủ đề lớn: “Toán: Học thế nào và làm ở đâu?”.
|
Đông đảo sinh viên tham gia Tọa đàm “Toán: Học thế nào và làm ở đâu?” tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. |
Tham dự Tọa đàm có TS Vũ Thị Thanh Hà (Bộ Khoa học và Công nghệ), bà Trần Lan Hương- Trưởng Văn phòng Đại diện Văn Phòng UNESCO tại Việt Nam, cùng đông đảo các nhà khoa học hiện đang công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các trường đại học lớn, các nghiên cứu viên, sinh viên các trường đại học.
|
GS.TSKH Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học phát biểu khai mạc Tọa đàm. |
Vẻ đẹp Toán học trong các ứng dụng thực tế
Sáng ngày 20/3/2021, các diễn giả gồm PGS Phan Thị Hà Dương ( Viện Toán học và Quỹ đổi mới sáng tạo VINIF), TS Hà Minh Hoàng (Đại học Phenikaa), PGS Nguyễn Ngọc Doanh (Đại học Thủy lợi), đã trình bày các bài giảng công chúng về các chủ đề cụ thể của Toán học.
|
PGS.TS Phan Thị Hà Dương mở đầu Tọa đảm với bài giảng “Những Khối đa diện đều và những bí ẩn toán học”. |
Theo PGS Phan Thị Hà Dương, 2000 năm trước công nguyên những khối đa diện đều đã được chạm khắc trong các hang đá, và hơn 2020 năm sau công nguyên, những khối đa diện đều vẫn là đề tài của một lời giải cho một giả thuyết toán học, một lời giải kết hợp giữa toán học lý thuyết và sức mạnh tính toán của các thuật toán tin học hiện đại nhất. Trải dài 4000 năm ấy, những khối đa diện đều đã là hình tượng cho những suy tư sâu xa về triết học, những định lý toán học, những thiết kế kiến trúc và cả những trò chơi may rủi. Ngày nay, hầu hết khi người ta muốn xây dựng một công trình hình cầu thì người ta sẽ bắt đầu bằng hình đa diện đều.
Tiếp đến công chúng được lắng nghe bài trình bày “Vẻ đẹp của vận trù học và toán tối ưu qua các ứng dụng thực tiễn tại Việt Nam” của TS Hà Minh Hoàng. Theo TS Hoàng, vận trù học và toán tối ưu có một lịch sử phát triển lâu đời với vô vàn các câu chuyện áp dụng thành công tạo tác động lớn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội tại nhiều quốc gia trên thế giới.
|
TS Hà Minh Hoàng (Đại học Phenikaa) trình bày bài giảng “Vẻ đẹp của vận trù học và toán tối ưu qua các ứng dụng thực tiễn tại Việt Nam”. |
“Đây là một ngành khoa học áp dụng các phương pháp phân tích tiên tiến để giúp người ta ra được quyết định tốt nhất. Nó là khoa học liên ngành, nhưng sử dụng các kỹ thuật của toán học như mô hình hóa, phân tích thống kê, tối ưu hóa,... để đưa ra các lời giải tối ưu, hoặc gần tối ưu cho các vấn đề cần phải ra quyết định”, TS Hoàng giới thiệu.
Ở Việt Nam, “cha đẻ” của thuyết tối ưu toàn cục là GS Hoàng Tụy, và đây cũng là một nhánh kỹ thuật của vận trù học. Gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, vận trù học bắt đầu có vai trò ứng dụng trở lại trong đời sống. Đó cũng chính là vẻ đẹp của toán ứng dụng qua các bài toán vận trù học, tối ưu hóa nảy sinh từ thực tế đời sống sản xuất của Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực như giao thông, nông nghiệp, viễn thông, truyền hình, giáo dục, y tế, vv…
|
PGS Nguyễn Ngọc Doanh (Đại học Thủy lợi) trình bày bài giảng “Toán học trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19”. |
PGS Nguyễn Ngọc Doanh đã trình bày nội dung mang tính “thời sự” hơn với chủ đề: “Toán học trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19”. Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 11 tháng 3 năm 2021 thế giới đã ghi nhận trên 117 triệu ca mắc và trên 2,6 triệu người tử vong do COVID-19 tại 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng số bệnh nhân COVID-19 hồi phục là trên 76 triệu và còn gần 26 triệu bệnh nhân đang điều trị, trong đó có khoảng trên 106 ngàn trường hợp bệnh nặng hoặc nguy kịch. Các quốc gia trên thế giới đã và đang áp dụng những chính sách khác nhau nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19 và trong số đó Việt Nam vẫn đang là hình mẫu về các chính sách chống dịch hiệu quả phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của mình. Để có được những chính sách hiệu quả thì việc nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong phân tích xử lý thông tin đóng một vài trò chìa khoá.
Một trong các mô hình mà nhóm PGS Doanh sử dụng trong trường hợp dịch ở Việt Nam là mô hình SEIR trên mạng lưới. Khi sử dụng mô hình này, có một số thuận lợi, chẳng hạn như công tác truy vết rất tốt (từ một ổ dịch xác định được có bao nhiêu F1, F2; thời điểm chuyển vào khu cách ly; thời điểm phát bệnh). Mỗi mô hình được xây dựng nhằm trả lời cho một hay một số câu hỏi thông qua việc xây dựng một số “kịch bản”, tức là những khả năng có thể xảy ra, xảy ra như thế nào. “Đây là một đóng góp ý nghĩa do mô hình mang lại”, PGS Doanh chia sẻ.
|
Các diễn giả tham gia Tọa đàm. |
Học Toán thì ra trường làm ở đâu?
Phan Thị Hà Dương cho biết, trong mấy năm qua, Quỹ VINIF đã và đang có nhiều chương trình tài trợ nghiên cứu và đào tạo khoa học, trong đó có Toán học. Quỹ cấp rất nhiều học bổng cho sinh viên, nghiên cứu sinh theo các cấp học thạc sĩ, tiến sĩ và POSTDOC... “Chúng tôi hiểu rằng những người nghiên cứu cần dành thời gian, cần phải có thù lao đủ để họ yên tâm tập trung làm khoa học. Mức học bổng dành cho thạc sỹ là 120 triệu/năm, cho tiến sĩ là 150 triệu/năm. Tôi nghĩ đây là điều kiện tốt để các bạn dành tâm huyết và thời gian để nghiên cứu khoa học”, PGS Phan Thị Hà Dương nói.
Rất nhiều sinh viên có mặt tại Tọa đàm đã đặt những câu hỏi về tương lai nghề nghiệp của những người theo học Toán tại các trường đại học. Trả lời vấn đề này, TS Võ Sỹ Nam nói: “Tôi nghĩ chúng ta đừng quá băn khoăn học toán để làm gì, vì bản thân các thầy cũng chưa biết ứng dụng vào đâu. Chúng ta học đi, những kiến thức ngày xưa sẽ hữu ích đâu đó trong nghề nghiệp của mình. Bằng kinh nghiệm của mình, tôi thấy học thêm về xác suất thống kê để ứng dụng nhiều. Rồi học về lập trình hiện đại. Chúng ta cứ học Toán đí, hữu ích trong rất nhiều ứng dụng trong tương lai nghề nghiệp”.
Anh Nguyễn Xuân Hoàng (Tổng Giám đốc Công ty MISA), nguyên là một học sinh chuyên Toán, sau đó “dấn thân” phát triển nghề nghiệp gắn liền với Tin học. “Chắc chắn học Toán giỏi thì học Tin học, lập trình giỏi. Học Toán tốt, rất dễ làm những công việc liên quan đến Tin học”, anh Hoàng khẳng định.
GS Vũ Hà Văn (Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn Vin Bigdata) đã thu hút đông đảo người nghe, người xem với “Chuyện của Paul”. Paul là con bạch tuộc nổi tiếng vì nó đã đoán trúng kết quả cả 7 trận đấu của tuyển Đức. (Paul cư trú trong bể cá của một quán ăn tại Đức.) Phải nói rằng, đoán trúng kết quả 3,4 trận đấu liên tiếp là điều rất ít nhà bình luận thể thao nào làm được . Bải giảng đã nhìn lại chuyện của Paul với con mắt toán học.
|
GS.TSKH Vũ Hà Văn trình bày bài giảng “Chuyện của Paul” thu hút giới nghiên cứu Toán học, sinh viên ngành Toán ứng dụng tại Tọa đàm. |
« Thật ra toán học là khái niệm rộng. Nếu không xác định trở thành nhà Toán học, tức là học Toán để đi làm thì nên chú trọng học những môn cần học nhất để đi làm. Cái này tùy thời. Bây giờ công nghệ chủ yếu liên quan đến máy tính, cần xác suất thống kê, Toán rời rạc, Toán tuyến tính. Lập trình và làm thuật toán là hai khái niệm khác nhau. Làm được thuật Toán cần phải học Toán. Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn, mỗi năm tuyển vào số lượng lớn các sinh viên vào làm, đầu vào chúng tôi thi về Toán xác suất thông kê và Toán đại số tuyến tính », GS Vũ Hà Văn cho biết thêm.
|
Buổi tọa đầm đã mở ra nhiều góc nhìn về Toán học dành cho sinh viên và các nghiên cứu viên, để các bạn trẻ yêu toán theo đuổi con đường toán học, giúp họ hiểu toán học ngày nay không chỉ là những nghiên cứu khô khan mà còn có rất nhiều ứng dụng trực tiếp vào cuộc sống và khoa học./. |