Trong những năm Mỹ bắn phá miền Bắc, đặc biệt là cao điểm 12 ngày đêm cuối năm 1972, có lẽ người dân nào của Hà Nội cũng thuộc lòng tiếng loa phát thanh, thuộc lòng chỗ cất mũ rơm, chỗ để tem phiếu và chỗ hầm trú ẩn.
Trong những năm Mỹ bắn phá miền Bắc, đặc biệt là cao điểm 12 ngày đêm cuối năm 1972, có lẽ người dân nào của Hà Nội cũng thuộc lòng tiếng loa phát thanh, thuộc lòng chỗ cất mũ rơm, chỗ để tem phiếu và chỗ hầm trú ẩn.
Hơn 50 năm trôi qua, ông Khúc Đình Bang (sinh năm 1941) vẫn sôi nổi nhắc lại lời của phát thanh viên Nguyễn Thị Thìn năm nào: “Đồng bào chú ý!... Đồng bào chú ý”. Nhà của ông trên phố Khâm Thiên bị bom đánh sập vào năm 1972.
Giống như ông Bang, nhiều người dân Thủ đô năm ấy vẫn trân trọng tiếng loa phát thanh, đặc biệt tiếng loa thông báo máy bay địch. Đấy là những ký ức không thể nào quên, những sự thật không thể nào không biết về Hà Nội trong những ngày bom đạn.
Nhưng ít ai biết rằng, vào rạng sáng 19/12/1972, trong đợt dội bom lần thứ 2, Đài phát sóng Mễ Trì (Đài Tiếng nói Việt Nam) bị đánh sập, 9 phút mất sóng và một thanh niên nằm xuống.
Anh là Nhữ Quang Thành, một kỹ thuật viên.
Đài phát sóng Mễ Trì (Đài Tiếng nói Việt Nam) xưa |
- Thành chết là rất tiếc. Thanh niên trẻ và năng động lắm.
Ông Dương Xuân Trường (sinh năm 1944) là kỹ thuật viên của Đài Phát thanh Mễ Trì trong kíp trực ngày 19/12/1972.
“Khoảng 4h30’ sáng, còi báo động rú lên, bom nổ rồi toàn bộ nhà máy chính sập xuống. Lúc ấy, tôi, Thành và một người khác đang trong vị trí làm việc” – ông Trường nhớ lại sau một hồi đứt quãng.
Sự kiện Đài phát sóng Mễ Trì bị đánh sập diễn ra chỉ trong tích tắc. Hơn nửa đời người qua đi, tích tắc đó không còn sót lại nhiều trong ký ức của người kỹ thuật viên già nhưng ông vẫn nhớ như in giây phút ông tìm thấy Nhữ Quang Thành.
“Hết bom, chúng tôi phải gọi tên từng người. Xem ai còn, ai mất. Nhưng khi gọi đến tên Thành thì không thấy trả lời”. Ông chạy ra vị trí của Thành thì thấy cậu đã nằm gục trên chiến hào. Ông bế xốc cậu lên, hai người không nói được gì với nhau: “Nó chỉ ú ớ thôi. Nó lấy tay đập vào ngực”. Ông vạch áo cậu lên thì thấy một vết bầm lớn. Ông và đồng đội đưa Thành đi cấp cứu nhưng ngày hôm đó Trạm xá Mễ Trì cũng bị đánh tan hoang hết cả, chẳng còn một ai để cấp cứu. Thành nằm đó rồi dần dần tắc thở.
“Thành là kỹ thuật viên trong tổ cơ điện, cần thì làm cả tự vệ. Thành chết là rất tiếc. Nó cứ hùng hục làm suốt ngày. Thanh niên trẻ, khỏe, đẹp trai lại năng động lắm. Lúc ấy nó mới 21, 22 tuổi, vẫn gọi tôi bằng anh.” – ông Trường chùng lại.
Năm 1966, Liên Xô giúp đỡ Việt Nam xây dựng Đài phát sóng Mễ Trì trở thành Đài lớn nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ.
Khi giặc Mỹ tấn công miền Bắc vào năm 1972, Đài phát sóng Mễ Trì trở thành mục tiêu ném bom số 1 để “đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá”: Không thông tin, không liên lạc.
“Lúc nào cũng có cảm giác là mình sẽ hy sinh!” – Đây không chỉ là suy nghĩ của riêng ông Dương Xuân Trường hay anh Nhữ Quang Thành. Đó là suy nghĩ của toàn bộ phát thanh viên, kỹ thuật viên, cán bộ công nhân viên của Đài phát sóng Mễ Trì thời bấy giờ.
Họ biết mỗi ca trực là một lần nguy hiểm. Cái giá phải trả cho từng tần số phát đi có thể là tính mạng của mình. Nhưng “Không để cho phát thanh ngừng một phút” – ông Trường đọc vang khẩu hiệu dán trong nhà máy suốt những năm miền Bắc bị đánh phá.
Năm 1972, là Tổ trưởng Tổ cơ điện Đài Phát sóng Mễ Trì, gần như ông Trường không rời ca trực ngày nào dù biết chắc chắn Đài đã vào tầm ngắm của địch. Tức là: Lúc nào ông cũng có thể hy sinh.
“Cũng không thể biết lúc nào mình sẽ hy sinh. Nhưng cứ mỗi lần nghe thấy còi báo động là máy phát thanh hỏng phải chạy lên rất nhanh để xử lý cùng ca đang làm việc. Lúc ấy chẳng biết sợ gì nữa, chỉ biết là không được để cho mất làn sóng phát thanh!” – Ông Trường kể về những lần chạy đi sửa máy trong đêm lạnh cắt da, cắt thịt của mùa đông năm 1972 – năm Hà Nội bị B52 dội bom dữ dội.
Năm ấy con gái ông mới được 3 tuổi, phải gửi về cho ông bà ngoại ở Tuyên Quang. Vợ ông cũng làm ở Đài nhưng cả hai chẳng có đủ thời giờ để ăn với nhau một bữa cơm.
|
Giọng người kỹ thuật viên già như reo lên: “Ngày xưa ông Trần Lâm, Tổng Giám đốc Đài TNVN từng nói: Cái máu phát thanh đã ngấm vào cơ thể của từng người một.
Cho nên lúc nào họ cũng chỉ nghĩ đến phát thanh thôi, ăn cũng nghĩ đến phát thanh, ngủ cũng nghĩ đến phát thanh!
Cái máu này không chỉ ngấm vào phóng viên, biên tập viên mà còn ngấm vào cả kỹ thuật viên, ngấm kinh khủng lắm!”.
Cái “ngấm” của những kỹ thuật viên như ông Trường là những hành động và công việc rất cụ thể: Không được để cho sóng mất, tiếng phát đi thì phải “trong, rõ, vang xa”.
“Bởi lúc đấy, phát thanh là quý trọng lắm, là tiếng nói của Đảng, của dân tộc nên không được ngừng. Rồi làm thế nào để tiếng nói ấy không có tạp âm, không có tiếng rú, tiếng rít” – ông Trường đùa: “Ai mà làm mất phát thanh thì tội to lắm!”.
- Hồi đấy, máy bay, bom đạn bay vèo vèo trên đầu thế. Chú có sợ không?
- Bom đạn cũng “tránh” mình, chứ mình chả biết thế nào tránh được nó. Nên cũng không sợ. Bom đến thì lại chui xuống hầm.
|
|
“Đêm ngày 26/12/1972, phố Khâm Thiên bị bom B52 rải thảm, tôi đang trực ở Ga Sông Hồng. Đêm ấy, trong nhà còn có một em trai” - ông Khúc Đình Bang (sinh năm 1941) kể lại. Năm đó, căn nhà ở số 5 ngõ Tô Tiền, đường Khâm Thiên của gia đình ông Bang hoàn toàn bị san phẳng.
“6 giờ sáng, tôi về đến nhà. Từ Ngõ Chợ trở về đến số nhà 111 Khâm Thiên chỉ thấy la liệt quan tài”, mùi khét của bom đạn và da thịt nồng nặc từng con ngõ. Ông về nhà tìm em trai. Em trai ông là Khúc Doanh Thêm (sinh năm 1951), là người con thứ 6 trong nhà.
Năm 1972, ông Bang 31 tuổi, ông Thêm 21 tuổi. Ông Bang đã lập gia đình và có một con nhỏ. Khi giặc Mỹ rải bom ở Hà Nội, vợ ông Bang đưa con về Hà Nam tản cư. Hai anh em ông ở lại vì còn công việc phải làm và nhà cửa phải trông coi.
Từ năm 1965, Hà Nội đã bắt đầu hướng dẫn người dân xây dựng hầm trú ẩn cá nhân, hầm chữ A, hầm tập thể,… để chuẩn bị cho tình huống Mỹ dội bom miền Bắc. Gia đình ông Bang cũng xây dựng 2 chiếc hầm cá nhân tương tự. Tự tay ông đào, “cứ hai ngày là xong”.
“Nhờ có cái hầm đấy mà nhiều người sống được. Trong đó có em tôi” – ông Bang chỉ vị trí 2 chiếc hầm cá nhân năm nào.
Khi B52 dội bom rải thảm phố Khâm Thiên, ông Thêm kịp chạy xuống hầm trú ẩn. Trên người ông là một túi tem phiếu và một con dao nhỏ. Bom nổ, nhà sập, hầm bị lấp. “Ông ấy lấy được con dao trong túi, khoan lên, thế là thở được. Rồi có người đến cứu” – ông Bang kể.
Khi được đào ra từ đống đổ nát, ông Thêm chỉ vị trí của các hầm xung quanh, cứu thêm được 5 người hàng xóm. Còn trong con ngõ này, có 8 người chết tất cả.
Phố Khâm Thiên: Ngày ấy, bây giờ. |
“Trung ương đã sớm cảnh báo, quân địch nhất định sẽ đánh vào Hà Nội nên những việc như xây hầm mình chuẩn bị đầy đủ lắm. Chỉ không ngờ rằng địch sẽ rải bom ở Khâm Thiên. Vì ngày xưa ở đây là một cái phố ngoại thành!” – ông Bang nhớ lại.
Nhà số 47 và 49 là hai tòa 5 tầng cao nhất ở con phố này hoàn toàn bị san phẳng. Người chết la liệt khắp nơi. Có người được vào quan tài, có người vẫn nằm bó chiếu.
“Bây giờ nghĩ lại thì mới thấy sợ, chứ còn ngày ấy bình tĩnh hơn. Bởi lúc bấy giờ thì ước mơ của người ta khác hơn. Ước mơ để sạch bóng quân thù, để yên ổn sống nên người ta không sợ tiếng súng, không sợ bom đạn” – ông Bang bùi ngùi nhớ lại ngày bom B52 san phẳng cả một con phố - nơi ông đã dành cả đời để sống.
- Lúc xuống hầm, ông có kịp mang theo gì không?
- Túi tem phiếu và một cái mũ rơm.
“Phải phong nghệ nhân cho người nghĩ ra chiếc mũ rơm” – ông Đào Văn Hà (sinh năm 1959 tại Đan Phượng, Hà Nội) nhấn mạnh. Ông đội và tết mũ rơm từ những năm lên mười.
“Lúc ấy quê tớ nghèo lắm, ông nào ăn chơi thì có một chiếc mũ mềm, chị em thì chỉ có cái nón thôi mà nón rách lắm. Mẹ tớ cũng có một cái nón như thế. Mà rơm ở nhà quê thì đầy. Khi B52 bắt đầu rải bom Hà Nội và những vùng lân cận, người dân bắt đầu tết và đội mũ rơm” – ông Hà nói.
Trong ký ức của nhiều người dân Hà Nội, mũ rơm gắn liền với những năm tháng giặc Mỹ đánh phá miền Bắc. Ai cũng phải có, ai cũng phải đội. “Mũ rơm lúc ấy quan trọng như mũ bảo hiểm bây giờ vậy. Tớ đi học mà quên thì phải chạy về lấy ngay” – ông Hà kể.
Ông bắt đầu đội và học tết chiếc mũ rơm đầu tiên từ năm học lớp 6: “Mũ rơm phải được tết từ rơm của cây lúa nếp. Thích nhất là rơm của lúa làm cốm. Cái rơm đó mà làm mũ rơm thì cực kỳ dai, đẹp và thơm”.
Giống như bạn bè cùng trang lứa, ông Hà đội mũ rơm suốt 3 năm đi học. Đến cuối năm 1972, đầu năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký kết, chính quyền Mỹ tuyên bố ngừng ném bom đánh phá miền Bắc, hòa bình được lập lại ở Việt Nam, “lúc ấy, lên cấp III, tớ mới thôi đội mũ rơm”.
Ông Hà: “Cậu thấy đấy, mũ rơm là một thứ rất đặc trưng của người Việt Nam”. Trong khi Quân đội Mỹ có mũ sắt, mũ thép thì mình chỉ mũ rơm. Mình đội mũ rơm để che bom đạn. Bọn tớ đội mũ rơm, vừa ngửi thấy mùi lúa nếp, vừa ngửi thấy mùi bom đạn”./.
Thực hiện: Thi Uyên - Trình bày: Hà Phương