(VOV5) - Dự án nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa được đặt tại huyện Củ Chi, TPHCM, dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào cuối năm 2025. Nhà máy dự kiến công suất đốt rác 2.000-2.600 tấn/ngày, công suất phát điện 60 MW/ngày.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: VGP. |
Tập đoàn Bamboo Capital mới đây cho biết đã khởi công xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa.
Nhà máy đặt tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TPHCM. Giai đoạn 1 của nhà máy dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025 với tổng vốn đầu tư 6.400 tỷ đồng, công suất đốt rác đạt 2.000-2.600 tấn/ngày, công suất phát điện đạt 60 MW/ngày.
Bamboo Capital dẫn thống kê năm 2023 cho thấy lượng rác thải sinh hoạt ở TPHCM là 9.800 tấn/ngày, trong những ngày cao điểm lễ Tết, lượng rác thải tăng lên hơn 11.000 tấn/ngày.
Việt Nam cũng nằm trong 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới. Mỗi ngày cả nước đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác sinh hoạt, khoảng 60% rác là từ các đô thị. Chất thải rắn sinh hoạt là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng khi tốc độ gia tăng trong giai đoạn năm 2021 - 2030 trung bình là 6%/năm.
Hầu hết lượng rác thải hiện nay đang được xử lý bằng hình thức chôn lấp gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường như ô nhiễm nguồn nước ngầm, ô nhiễm đất, mùi hôi phát tán, nước rỉ rác chảy ra môi trường.
CTCP Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa là doanh nghiệp xử lý rác tại TPHCM, Long An và Kiên Giang, mới được cấp phép xây dựng dự án giai đoạn 1 vào đầu tháng 7/2024. Trước đó, đầu năm 2024, công ty thành viên của Tập đoàn Bamboo Capital là BCG Energy đã mua lại công ty này.
Theo giới thiệu, công nghệ lõi mà BCG Energy sử dụng cho Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa là công nghệ SUS-Hitachi Zosen Vonroll. Sau khi được đốt bằng công nghệ SUS-Hitachi Zosen Vonroll, rác thải sẽ giảm được phần lớn thể tích và khối lượng, nhiệt lượng tạo ra từ quá trình đốt trở thành điện năng phục vụ sản xuất, sinh hoạt.
|
Thông tin dự án. Nguồn: Bamboo Capital. |
Lượng tro xỉ còn lại sau khi đốt rác là loại chất thải không độc hại có thể sản xuất thành vật liệu xây dựng. Lượng nước thải phát sinh trong quá trình nhà máy vận hành được thu gom, xử lý khép kín và tái sử dụng để làm mát hệ thống máy móc trong nhà máy. Khí thải và tro bay sản sinh ra trong quá trình đốt rác được xử lý bằng công nghệ hiện đại, ưu việt hơn tiêu chuẩn xử lý EURO 2010, đảm bảo không gây ra mùi hôi hay ô nhiễm không khí khi thải ra môi trường.
Dự án này từng được Tâm Sinh Nghĩa khởi công từ năm 2019, cùng với 2 dự án nhà máy đốt rác phát điện khác của Tasco và Vietstar, tuy nhiên sau đó bị ngưng trệ.
Nguyên do của sự chậm trễ này, Lao động hồi giữa năm 2023 dẫn lời đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết do Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) chưa được phê duyệt nên không thể triển khai thủ tục xin giấy phép xây dựng tại Bộ Xây dựng.
Tại Việt Nam, có một số nhà máy điện rác như nhà máy điện rác Sóc Sơn (Hà Nội), nhà máy điện rác ở Thuận Thành (Bắc Ninh), nhà máy điện rác Vĩnh Tân (Bình Thuận), nhà máy điện rác Phù Ninh (Phú Thọ)...
Trong đó, nhà máy điện rác Sóc Sơn (Hà Nội) được giới thiệu là nhà máy điện rác lớn nhất tại Việt Nam. Tổng vốn đầu tư của nhà máy này là 7.000 tỷ đồng, công suất xử lý 4.000 tấn rác khô/ngày (tương đương 5.500 tấn rác tươi).