Tự hào về trang sử Vàng son của các thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ VOV
Hà Phương - Kim Nhung/VOV.VN -  
(VOV5) -Chương trình nghệ thuật Vàng son VOV diễn ra vào tối 23/12 tại Trung tâm phát thanh Quốc gia (58 Quán Sứ, Hà Nội) đã mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc.
Tối 23/12, chương trình nghệ thuật đặc biệt với tên gọi “Vàng son VOV - 2023” do Ban âm nhạc VOV3, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tổ chức diễn ra tại Trung tâm phát thanh Quốc gia, 58 Quán Sứ, Hà Nội.
Chương trình nhằm tri ân và tôn vinh các thể hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ – những gương mặt làm nên thương hiệu VOV, có nhiều đóng góp to lớn cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.
Phát biểu tại chương trình, Phó Tổng Giám đốc VOV Ngô Minh Hiển cho biết, lịch sử hình thành và phát triển của VOV song hành cùng lịch sử hai cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc. Từ làn sóng phát thanh hàng trăm nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà thơ với những tác phẩm thơ ca đi cùng năm tháng được lan toả , góp phần cổ vũ động viên đồng bào chiến sĩ, hăng hái xây dựng và bảo vệ tổ Quốc. Cũng từ cánh sóng, những thế hệ nhạc sĩ, nhà thơ, biên tập, phóng viên, phát thanh viên và nghệ sĩ biểu diễn đã góp một phần công sức của mình với VOV, trong thắng lợi chung của dân tộc.
Đêm nghệ thuật đặc sắc tái hiện lại bức tranh sinh động bằng âm thanh qua các ca khúc nổi tiếng, trong không gian âm nhạc hân hoan, đầm ấm và lạc quan, hứng khởi, do các nghệ sĩ, biên tập viên VOV thể hiện, với những bản phối mới hấp dẫn và ấn tượng.
Đây là những tác phẩm đi cùng năm tháng của các nhạc sĩ VOV sáng tác, mang đậm dấu ấn của nhiều chặng đường lịch sử của dân tộc. "Vàng son VOV" mang lại những cung bậc đầy xúc cảm tới khán giả, thính giả đang theo dõi chương trình.
Là khách mời trong chương trình, NSND Thanh Hoa chia sẻ: "Đa số các chiến sĩ bộ đội đều nghe VOV, dù ở bất cứ đâu, họ đều yêu cầu nghe bài hát trên VOV, những ca khúc dân ca. Dù không thuộc hết nhưng chúng tôi hát một vài câu để phục vụ các anh bộ đội". Còn nhạc sĩ Thuỵ Kha cho rằng qua làn sóng VOV, những ca khúc đã trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc cho các chiến sĩ: "Nếu không có làn sóng VOV, chúng tôi không biết tựa vào đâu để chiến đấu cả. Những ca khúc "Bài ca đường 9 của Huy Du"; "Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng" của Trọng Loan;...Đạn bom ác liệt không át được tiếng hát...".
Cùng với những ca khúc cách mạng, các nghệ sĩ còn mang đến nhiều ca khúc mang tinh thần ngợi ca, giàu chất trữ tình như "Nơi đảo xa" (sáng tác: Thế Song), ca khúc "Em và sắc trời biên giới" (sáng tác: Văn Dung), "Bài ca người làm báo" do tốp nữ VOV3 trình bày, "Tôi là Lê Anh Nuôi" do ca sĩ Chu Cường trình bày,...
NSND Thanh Hoa khiến người nghe trào dâng cảm xúc với ca khúc "Bác Hồ một tình yêu bao la" (sáng tác: nhạc sĩ Thuận Yến).
Ca sĩ Đăng Thuật thể hiện ca khúc "Bên lăng Bác Hồ" (sáng tác: nhạc sĩ Dân Huyền).
Là một trong những vị lãnh đạo dành nhiều tâm huyết cho văn nghệ sĩ, các chương trình âm nhạc của VOV, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận - Phê bình văn học nghệ thuật trung ương, nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Tổng Giám đốc VOV trong phần chia sẻ của mình đã nói về giá trị và ý nghĩa của âm nhạc trên sóng phát thanh ảnh hưởng tới đời sống nước nhà. Trong khi đó, NSND Phạm Ngọc Khôi có những đánh giá về đội ngũ nhạc sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng của VOV với những đóng góp cho nềm âm nhạc cách mạng Việt Nam.
Cũng trong chương trình, nhiều tư liệu quý giá được lưu trữ trong kho băng của VOV, những câu chuyện về các nhạc sĩ, nghệ sĩ lần đầu được kể, qua đó giúp khán, thính giả hình dung rõ hơn về dấu ấn vàng son của thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ của VOV.
78 năm hình thành và phát triển, VOV luôn đồng hành cùng dân tộc trong các sự kiện lịch sử quan trọng, kết nối trái tim hàng triệu người Việt Nam. Bên cạnh mảng tin tức, ngay từ những ngày đầu tiên, âm nhạc luôn có đóng một vị trí quan trọng trong việc tuyên truyền, động viên tinh thần quân dân cả nước.
Các ca khúc cách mạng ra đời trong hai cuộc kháng chiến đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Có thể kể đến ca khúc “Diệt Phát xít” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, “Hợp xướng Ca ngợi tổ quốc” sáng tác nhạc sĩ Hoàng Vân, “Cung đàn mùa xuân”, sáng tác nhạc sĩ Cao Việt Bách, lời thơ Lưu Trọng Lư và "Âm thanh ngày mới", sáng tác nhạc sĩ Nguyễn An. Điều đặc biệt là các nhạc sĩ tên tuổi này đều xuất thân từ VOV.
VOV có 5 nhạc sĩ đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (VHNT), 15 nhạc sĩ giải thưởng Nhà nước về VHNT, 34 NSUT, 10 NSND và hàng chục giải thưởng do Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng. Trang sử Vàng son ấy chắc chắn sẽ được viết thêm nữa với tinh thần, trách nhiệm của các thế hệ văn nghệ sĩ trẻ của VOV.
Bằng tất cả tâm huyết, say mê, tấm lòng tri ân thế hệ đi trước, các nghệ sĩ đã sáng tạo một không gian âm nhạc đặc biệt, một món quà tinh thần ý nghĩa.
Cùng với đó, thế hệ các nghệ sĩ tiếp nối luôn nhận thức được trách nhiệm của bản thân trong việc giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của VOV.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có những đánh giá về tính văn hóa, giáo dục, định hướng thẩm mỹ trong âm nhạc trên sóng phát thanh VOV. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, văn nghệ sĩ VOV có sức mạnh nội tại cũng như ý nghĩa của một nét văn hóa rất riêng chỉ VOV mới có - những thế hệ Vàng son với đất nước. NSND Văn Chương, Phó trưởng ban phụ trách Ban Âm nhạc, VOV cho biết, những lao động và cống hiến không ngừng nghỉ của các thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ của Đài Tiếng nói Việt Nam đã, đang được tiếp nối, được lan tỏa, góp phần khẳng định thương hiệu âm nhạc của VOV.
Chương trình khép lại bằng liên khúc "Em ơi mùa xuân đến rồi đó" (sáng tác: nhạc sĩ Trần Chung) và "Khi ta có mặt trời chân lý" (sáng tác: nhạc sĩ Phạm Tuyên, lời thơ Tố Hữu)
Hà Phương - Kim Nhung/VOV.VN