(VOVworld) - Tối 26/8, Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện chương trình truyền hình và phát thanh trực tiếp mang tên "Tết Độc lập". Chương trình nhằm ôn lại trang sử vẻ vang dân tộc...
Tối 26/8, nhân kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện chương trình truyền hình và phát thanh trực tiếp mang tên "Tết Độc lập".
Chương trình nhằm ôn lại trang sử vẻ vang, truyền thống yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc, bài học giữ nước của cha ông để thế hệ hôm nay và mai sau ra sức xây dựng đất nước ta giàu mạnh, phồn vinh, nhân dân có cuộc sống ấm no tự do, hạnh phúc; bảo vệ nền độc lập, tự do, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.
Chương trình được chia làm 3 phần: Dưới lá cờ Đảng, Hào khí tháng Tám và Tết Độc lập. Xuyên suốt chương trình là các phóng sự ôn lại một thời lịch sử hào hùng của dân tộc, nêu bật lên vai trò của Nguyễn Ái Quốc, sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã mở ra thời kì mới cho cách mạng Việt Nam: Thời kì đấu tranh giành độc lập dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội...
Những thước phim khiến người xem rưng rưng xúc động kể về các phong trào đấu tranh cách mạng trên cả nước, tiến tới tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trong cuộc Cách mạng tháng Tám 1945.
Tại phần giao lưu, các khách mời bao gồm ông Lê Đức Vân - Trưởng Ban Liên lạc Hội Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu (trái) và PGS.TS. Đại tá Nguyễn Mạnh Hà, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Chính ủy sư đoàn 308 anh hùng, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự - Bộ Quốc phòng (giữa) đều khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại, là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đánh dấu mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc ta.
PGS.TS. Đại tá Nguyễn Mạnh Hà khẳng định ý nghĩa của cuộc Tổng khởi nghĩa: “Sự kiện toàn dân đứng lên Tổng khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng chỉ trong vòng 2 tuần cho thấy cuộc Cách mạng này có ý nghĩa rất sâu xa. Người dân lần đầu tiên được làm chủ, nô nức xếp chỗ ở quảng trường Ba Đình, cho thấy sự hậu thuẫn của người dân với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là rất lớn. Đánh dấu thắng lợi đánh đổ chế độ Quân chủ mấy mươi thế kỷ, chế độ thực dân hàng trăm năm, mang lại quyền sống, quyền chính trị, quyền tự do, độc lập cho người dân. Lần đầu tiên chúng ta tổ chức được cuộc bầu cử Quốc hội, cũng là lần đầu tiên người phụ nữ được đi bầu cử trong cả khu vực Đông Nam Á. Mở ra thời đại mới, mà chúng ta hay gọi là thời đại Hồ Chí Minh”.
Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn (sinh năm 1940), ở Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (giữa). Mới 11 tuổi, ông đã tham gia Đội Du kích Thiếu niên Đình Bảng (tỉnh Bắc Ninh) năm xưa. Ông rưng rưng xúc động kể lại kỷ niệm khi tham gia Đội Du kích Thiếu niên Đình Bảng.
Vì sinh đúng ngày 2/9 nên võ sĩ wushu được bố mẹ đặt tên Quốc Khánh. Anh cho rằng, cái tên và ngày sinh là động lực lớn giúp anh không ngừng nỗ lực vươn lên trong sự nghiệp thi đấu thể thao. Tại SEA Games 2013 tổ chức ở Myanmar, Quốc Khánh đã gây ấn tượng mạnh khi bị rách cơ bụng nhưng vẫn dán băng vào vết thương để bước lên thảm đấu và sau đó xuất sắc giành HCV cho đoàn Việt Nam.
Những chia sẻ, kỷ niệm của các vị khách mời chương trình thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả.
Cũng trong chương trình Tết Độc lập, các ca khúc gợi nhớ về một thời lịch sử hào hùng của dân tộc như Tiến quân ca, Bài ca hy vọng, Giai điệu Tổ quốc, Bài ca thống nhất, Đất nước trọn niềm vui, Người Hà Nội đã vang lên.
Đó là những ca khúc có sức sống mạnh mẽ, bền bỉ bởi nó ghi lại một giai đoạn hào hùng của dân tộc, đồng thời cất lên tiếng nói và tâm hồn người Việt Nam.
Đất nước ta đã trọn niềm vui giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Như chia sẻ của nhạc sĩ Văn Ký khi viết “Bài ca hy vọng”: “Bài hát là suy nghĩ của tôi lúc đó. Tôi cũng có niềm tin chắc chắn như mọi người: ngày mai nước ta sẽ thống nhất, quê hương ta lại một màu xanh áo mới…”.
Ca sĩ Đinh Trang và vũ đoàn thể hiện ca khúc "Bài ca thống nhất".
Những giai điệu ca ngợi Tổ quốc, Cách mạng luôn là ngọn lửa hâm nóng trái tim người Việt Nam, kêu gọi tinh thần yêu nước từ những hình ảnh bình dị nhất.
Lòng yêu nước luôn bừng cháy trong tim mỗi người dân Việt Nam, để mỗi lần nhớ đến Tổ quốc thì tiếng hát và những giai điệu Tổ quốc Việt Nam lại ngân lên...
Dư vị đọng lại trong lòng khán giả khi chương trình khép lại là sự tự hào và lòng biết ơn vô bờ bến đối với lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của cha ông, thế hệ đi trước./.
|