(VOV5) -Sân bay Mường Thanh nằm ở vị trí trung tâm của lòng chảo Mường Thanh, cách các ngọn núi cao từ 10-12km.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, sân bay Mường Thanh là điểm trọng yếu để quân đội Pháp thiết lập được một tập đoàn cỡ lớn tại Điện Biên Phủ. Và đến nay, sân bay Điện Biên Phủ tiếp tục khẳng định vai trò là cầu hàng không quan trọng của Điện Biên nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung.
Sân bay Mường Thanh nằm ở vị trí trung tâm của lòng chảo Mường Thanh, cách các ngọn núi cao từ 10-12km. Sân bay có chiều dài 2.000m, chiều rộng 50m, khu vực cất và hạ cánh rộng 25m và dài 120m đảm bảo thuận lợi cho việc lên, xuống.
Quân Pháp lắp ráp xe bọc thép được máy bay thả xuống sân bay Mường Thanh.
Mặc dù là sân bay dã chiến nhưng Navarre rất hài lòng và quyết định tiếp nhận chiến đấu với quân ta ở Điện Biên Phủ như một cái bẫy để thu hút, giam chân nhiều sư đoàn chủ lực của Việt Minh nhằm đỡ đòn cho đồng bằng Bắc Bộ.
Đến ngày 30/3/1954 không một chiếc máy bay nào tiếp cận được với Sân bay Mường Thanh, sân bay bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Điều này cho thấy, cầu hàng không mà Bộ chỉ huy Pháp đặt rất nhiều kỳ vọng trên thực tế lại không đáp ứng được nhu cầu ngày càng cấp thiết của Tập đoàn cứ điểm khổng lồ tại Điện Biên Phủ.
Chiếc máy bay Airbus A321 mang số hiệu VN-A396 hạ cánh xuống mặt đường băng sân bay Điện Biên Phủ
Ngày 01/12/2023, chiếc máy bay Airbus A321 mang số hiệu VN-A396 đã chạm bánh xuống mặt đường băng sân bay Điện Biên Phủ, chính thức ghi dấu mốc đặc biệt khi lần đầu tiên trong lịch sử của sân bay này đón nhận thành công một máy bay cỡ lớn, hiện đại.
Việc đưa vào khai thác an toàn máy bay phản lực tại sân bay Điện Biên Phủ kết nối 2 vùng kinh tế trọng điểm của đất nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Mình là cột mốc quan trọng trong ngành hàng không Việt Nam, cũng như mở ra cơ hội phát triển mới cho kinh tế, xã hội của tỉnh Điện Biên nói riêng, Tây Bắc nói chung.
Tổng Công ty hàng không Việt Nam hiện cũng đang tiếp tục nghiên cứu tăng tần suất chuyến bay với những đường bay hiện có với sân bay Điện Biên Phủ; đồng thời mở thêm các tuyến bay kết nối Điện Biên với các tỉnh, thành khác trong nước và một số quốc gia trong khu vực khi điều kiện cho phép. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng mạng lưới giao thông, kết nối Điện Biên với các vùng miền, tạo cú hích thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên và các địa phương vùng Tây Bắc.