Xuân về nơi địa đầu Tổ quốc

(VOV5) - Một trong những điều khiến Hà Giang trở thành điểm du lịch hấp dẫn dịp đầu Xuân là sự kết hợp tuyệt vời giữa thiên nhiên hoang sơ, không khí trong lành và những nét văn hóa độc đáo.
Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới ở cực bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Phía bắc và phía tây có đường biên giới giáp Trung Quốc, dài 274km, trong đó Lũng Cú là điểm cực bắc. Phát triển du lịch trên vùng địa hình với 90% là núi đá vôi, thiếu đất canh tác được coi là mũi nhọn cho phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân, lan tỏa và bảo tồn những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống đến khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần gìn giữ và bảo vệ biên giới và toàn vẹn lãnh thổ. Phong cảnh hùng vĩ của núi rừng biên ải cùng nền văn hóa đặc sắc của 19 dân tộc với nhiều phong tục tập quán, lễ hội truyền thống đã đưa Hà Giang trở thành địa danh hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Xuân về nơi địa đầu Tổ quốc - ảnh 1

Vượt cung đường đông bắc, chúng tôi đến với Hà Giang ngay những ngày đầu tiên của năm mới Ất Tỵ. Con đường quanh co, đèo cao, vực sâu không cản được tình yêu với Hà Giang. Khoảng cách hơn 400km như ngắn lại bởi được ngắm khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ với điệp trùng núi non với những em bé với những giỏ hoa cải rực vàng sau tấm lưng bé nhỏ, những mái ngói cổ rêu phong, những bức tường đá đan xen với sắc hoa của đào, mận, những đoàn xe hối hả vượt những con dốc dài lên cao nguyên đá.

Xuân về nơi địa đầu Tổ quốc - ảnh 2
Xuân về nơi địa đầu Tổ quốc - ảnh 3

Những năm gần đây, các cấp chính quyền tỉnh Hà Giang đã có chính sách và định hướng chiến lược cho phát triển du lịch tại địa phương. Một trong những xã được quy hoạch trọng điểm là Lũng Cú, nơi có làng cổ Lô Lô Chải cùng danh thắng quốc gia cột cờ Lũng Cú. Được hình thành cuối thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVIII, làng Lô Lô Chải nằm ngay dưới chân cột cờ Lũng Cú, là nơi sinh sống chủ yếu của người Lô Lô – một trong những dân tộc thiểu số có văn hóa đặc sắc với trống đồng cổ, chữ viết tượng hình, những điệu múa, làn điệu dân ca, các truyện cổ.

Xuân về nơi địa đầu Tổ quốc - ảnh 4
Xuân về nơi địa đầu Tổ quốc - ảnh 5

Làng cổ Lô Lô Chải nằm yên bình giữa núi rừng nơi địa đầu Tổ quốc, với 52 homestay xen kẽ trong 120 hộ gia đình người Lô Lô và Mông, mỗi homestay mang nét kiến trúc mộc mạc, độc đáo riêng cùng cách trang trí đặc sắc của người Lô Lô: những ngôi nhà trình tường, mái ngói âm dương, bức tường đá rêu phong bên những con đường nhỏ quanh co dưới bóng cây sa mộc, những vườn cải vàng trước sân nhà…

Xuân về nơi địa đầu Tổ quốc - ảnh 6

Năm 2018, Lô Lô Chải được công nhận Làng văn hóa du lịch cộng đồng, được nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, đường bê tông, xây dựng các làng nghề, các công trình phụ trợ, thực hiện tốt 10 tiêu chí xây dựng Làng văn hóa du lịch gắn với xây dựng Nông thôn mới.

Xuân về nơi địa đầu Tổ quốc - ảnh 7
Xuân về nơi địa đầu Tổ quốc - ảnh 8

Vài năm gần đây, nhiều du khách biết đến vẻ đẹp của Lô Lô Chải thông qua các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Những ngày cuối tuần, Làng du lịch cộng đồng này đón hàng ngàn du khách. Nơi đây được coi là điểm đến không thể bỏ qua của du khách mỗi khi đến Hà Giang khiến đôi khi ngôi làng quá tải so với cơ sở vật chất hiện có, đặc biệt là thiếu nước sinh hoạt và lưới điện không đủ công suất. 

Chia sẻ với phóng viên, Ông Lý Hùng, Bí thư xã Lũng Cú, cho biết: “Phát huy tiềm năng của làng cổ, tạo điều kiện cho bà con đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, địa phương đã đầu tư xây dựng trạm biến thế điện, hồ treo tích trữ nước phục vụ đời sống và kinh doanh du lịch cho thôn Lô Lô Chải. Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, lượng mưa ít nên vào mùa khô, từ tháng 11 đến tháng 4, không chỉ nơi đây mà nhiều nơi khác tại Hà Giang đều thiếu nước nghiêm trọng. Các cấp chính quyền đang tìm giải pháp khắc phục. Việc bơm nước từ sông Nho Quế lên tới Lũng Cú với chiều dài 8km lại phải qua nhiều núi cao, vực sâu nên rất khó khăn, đỏi hòi kinh phí lớn mới làm được, hơn nữa Hà Giang là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước nên rất cần sự hỗ trợ từ Trung ương và các nhà tài trợ”.

Xuân về nơi địa đầu Tổ quốc - ảnh 9

Ông Nguyễn Vũ Hà, chủ Long Cổ Trấn Homestay & Tea, cho biết: “Hà Giang vốn là tỉnh nghèo, nhiều điều kiện về địa chất, khí hậu, thổ nhưỡng không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, chỉ có du lịch sẽ là cứu cánh cho đời sống người dân. Nếu được nhà nước chú trọng đầu tư cho phát triển du lịch một cách chuyên nghiệp và bài bản, với mỗi dân tộc có một làng du lịch cộng đồng như Lô Lô Chải, chắc chắn Hà Giang sẽ thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Mặt khác, nếu Bộ Công an xem xét miễn khoản thu phí tạm trú khu vực biên giới cho du khách nước ngoài và  cho phép sử dụng ứng dụng khai báo thông qua mạng internet đối với các cơ sở kinh doanh du lịch sẽ là những lợi thế thu hút khách du lịch nước ngoài đến với Hà Giang nhiều hơn.”

Xuân về nơi địa đầu Tổ quốc - ảnh 10

Rời Hà Giang trong tiết trời mưa phùn giá lạnh 6 độ C, bâng khuâng nghĩ về một vùng cao nguyên đá, nơi bà con dân tộc còn vất vả, khó khăn, gùi từng bao đất dưới thung lũng xa để lấp đầy những khe đá trên núi cao lấy chỗ trồng ngô, trồng từng vạt cỏ voi nuôi trâu, bò mà chẳng bao giờ than khổ cùng ai. Văng vẳng bên tai khúc hát về Hà Giang của cố nhạc sỹ Thanh Phúc: “Ai về thăm quê hương tôi, nơi biên cương là đây, có rừng cây thiên nhiên xanh biếc một màu. Đây Hà Giang, đây Hà Giang quê chúng tôi. Gỗ vùng cao về xuôi thay đời mới, thắm tình nghĩa miền xuôi với miền ngược, có ai về khơi thêm nguồn hàng mời lên thăm đây Hà Giang. Ôi đẹp sao, đây vùng cao quê tôi đang đổi mới. Này quà vùng cao đem tới miền xuôi, cây chè quê tôi vui những ai hẹn hò. Hà Giang mến yêu ơi, Hà Giang mến yêu ơi.

Phản hồi

Các tin/bài khác