(VOV5) - Phát thanh viên Kiên Cường đã trở thành tên tuổi không thể nào quên với các thế hệ thính giả Đài Tiếng nói Việt Nam giai đoạn từ 1945 đến 1975.
Phát thanh viên Kiên Cường là một trong những giọng đọc đặc biệt của Đài Tiếng nói Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước và sau này, khi đất nước hòa bình. Ông vừa rời đi vào cõi vĩnh hằng nhưng tên tuổi, giọng đọc của ông vẫn còn mãi với thời gian, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng thính giả của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Phát thanh viên Kiên Cường. Ảnh: VOV |
Phát thanh viên Kiên Cường tên thật là Hàn Đức Trọng, sinh năm 1932, tại Hà Nội. Ông tham gia Cách mạng từ năm 1945. Sau khi tham gia chiến dịch Tây Bắc, Hòa Bình, tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ (những năm 50 của thế kỷ trước), đến năm 1958 ông về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam và trở thành một phát thanh viên có giọng đọc chính luận nổi tiếng.
Sinh thời, cùng với các giọng đọc nổi tiếng, như: Việt Khoa, Tuyết Mai, Nguyễn Thơ... phát thanh viên Kiên Cường đã trở thành tên tuổi không thể nào quên với các thế hệ thính giả Đài Tiếng nói Việt Nam giai đoạn từ 1945 đến 1975. Nhờ giọng đọc chính luận của phát thanh viên Kiên Cường mà những bài bình luận trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam những năm kháng chiến đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh của cuộc đấu tranh tư tưởng trên làn sóng phát thanh. Nhà báo Đồng Mạnh Hùng, Trưởng Ban Thư ký biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, cho biết: Phát thanh viên Kiên Cường là người rất nho nhã, nhẹ nhàng nhưng trong giọng đọc, giọng nói của ông thì chứa ẩn cái gì đó rất mạnh mẽ, quyết liệt. Chính vì vậy khi ông đọc những bài bình luận, chính luận trên Đài Tiếng nói Việt Nam để đấu tranh trong cuộc kháng chiến giành độc lập, đã thể hiện được sức mạnh nội tại, sức mạnh của con người, nhưng thực ra đó là tiếng nói chính nghĩa, tiếng nói của dân tộc Việt Nam đến với cả đồng bào trong nước và quốc tế. Ông cùng với các nghệ sĩ, như: Nghệ sĩ Kiên Cường, Tuyết Mai, Việt Khoa… là niềm tự hào của những người làm phát thanh nói chung và của Đài Tiếng nói Việt Nam nói riêng.
Phát thanh viên Kiên Cường (áo trắng) cùng các phát thanh viên kỳ cựu của VOV. Ảnh: VOV |
Điểm nổi bật ở ông cũng là sự khác biệt căn bản với các phát thanh viên khác là ông cố gắng chuyển từ đọc văn bản sang nói. Điều này không dễ, bởi phải bám theo nội dung văn bản và nội dung đó lại không phải do mình soạn ra. Nhưng bằng cách nào đó, ông đã rất thành công. Sự thân thiện, gần gũi, khúc triết, chấm phá vừa phải, đặc biệt hết sức tự nhiên trong cách biểu đạt… là những điều người nghe cảm nhận và ngưỡng mộ ở giọng đọc của phát thanh viên Kiên Cường. Các phát thanh viên mới vào nghề được ông dạy rằng: Ai sai thì sai, là phát thanh viên phải hiểu đúng. Ông bảo là phát thanh viên, về địa danh toàn quốc phải biết đến cấp huyện. Những năm chiến tranh giành độc lập, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Trần Lâm từng yêu cầu: phải cấp nhà ở cho phát thanh viên Kiên Cường ở số 5 Trần Phú, gần trụ sở Đài Tiếng nói Việt Nam số 58 Quán Sứ, để còn tiện điều động. Phát thanh viên Việt Hùng chia sẻ: Bác Kiên Cường là người có kinh nghiệm nghề nghiệp vững vàng và có uy tín trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, nhất là trong thời giải phóng miền Nam, và trong những năm kháng chiến cứu nước. Bác Cường rất có uy tín trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Trong đời sống sinh hoạt thường ngày, phát thanh viên Kiên Cường là người rất chân thành, luôn luôn giúp đỡ chúng tôi về chuyên môn nghiệp vụ, chan hòa, giản dị, gần gũi với mọi người.
Phát thanh viên Kiên Cường còn được ví như cuốn từ điển sống. Ông say mê và sưu tầm nhiều loại từ điển và thường xuyên dành hàng giờ để tra cứu, ngẫm nghĩ tìm hiểu đến tận cùng tận gốc gác của từng từ, truy đến căn nguyên của từng con chữ. Sự học đã trở thành niềm đam mê và ông cứ lặng lẽ tận hưởng cái thú riêng nho nhỏ ấy. Sự hiểu biết, khối tri thức và lượng chữ nghĩa phong phú đều do ông tự học mà nên và giúp ích rất nhiều cho nghề phát thanh viên của ông. Sau này, có dịp công tác, gặp gỡ thính giả trên khắp mọi miền đất nước, phát thanh viên Kiên Cường mới nhận ra rằng những cái tên Việt Khoa, Tuyết Mai, Kiên Cường… đã in dấu ấn sâu đậm nhường nào trong lòng thính giả. Có cựu chiến binh từng vào sinh ra tử đã bật khóc khi được gặp mặt thần tượng Kiên Cường của mình bằng xương bằng thịt. Đó là những phần thưởng vô giá dành riêng cho ông cùng các đồng nghiệp một thời sục sôi giành độc lập cho dân tộc. Ông Trương Cộng Hòa, nguyên Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam, nhớ lại: Anh Kiên Cường cùng với các phát thanh viên Tuyết Mai, Việt Khoa, Phương Chi, là lớp đàn anh của Đài Tiếng nói Việt Nam. Anh Kiên Cường có một giọng đọc rất trong, sáng và rõ ràng. Là người rất khiêm nhường dù anh là phát thanh viên rất vinh dự trong giai đoạn Đài Tiếng nói Việt Nam tích cực tuyên truyền cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc Việt Nam.
Phát thanh viên Kiên Cường là một trong những “Giọng đọc Vàng” của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông cùng với các phát thanh viên khác đã trở thành 1 phần lịch sử của Đài Tiếng nói Việt Nam, góp phần làm nên thương hiệu của Đài phát thanh quốc gia.