“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai“
Bảo Trang, Mai Phương -  
(VOV5) - Nguyễn Thị Thu Thương đã vượt qua những khó khăn, thiệt thòi bởi căn bệnh quái ác để gây dựng Công ty Cổ phần Thương mại và Sản xuất hàng thủ công Thương Thương Handmade.
“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”, là câu hát mà Thương bảo là em thích nhất và cũng là câu hát có nghĩa rất nhiều trong cuộc sống của em, một cô gái mang trong mình căn bệnh xương thủy tinh bẩm sinh, khiến em không thể ngồi hay đứng. Từ khi sinh ra Thương chỉ có thể nằm và lăn tròn như đứa trẻ. Chỉ cần va đập mạnh, xương của Thương sẽ bị gãy và phải nằm bất động nhiều tháng.
Nguyễn Thị Thu Thương và sản phẩm tranh cuốn giấy của Thương Thương Handmade |
Thế nhưng không chịu thua số phận, Nguyễn Thị Thu Thương đã vượt qua những khó khăn, thiệt thòi bởi căn bệnh quái ác để gây dựng Công ty Cổ phần Thương mại và Sản xuất hàng thủ công Thương Thương Handmade - mái ấm của nhiều người khuyết tật. Và dù vẫn còn đó muôn vàn những điều phải lo lắng, Thu Thương vẫn cùng những người bạn của mình, đem tiếng hát để quyên góp và sẻ chia với những người kém may mắn khác... Giờ đây, mọi người tìm đến Thu Thương không chỉ vì khâm phục nghị lực "thép" của cô gái bé nhỏ mà còn tìm được ở đây điểm tựa niềm tin vào cuộc sống.
Nghe âm thanh chương trình tại đây:
"Xương của em rất giòn và dễ gẫy. Mẹ em có kể là khi sinh em ra, mỗi lần thay tã thấy em khóc thét lên, mẹ em cho đi bệnh viện và mới biết là em bị bệnh xương thủy tinh, xương giòn và dễ gãy, giống như người già bị loãng xương vậy. Bác sỹ có khuyên là thôi đưa con về, sống được ngày nào hay điều ấy chứ chưa biết sẽ sống được bao lâu... Thế nhưng với tình yêu của bố mẹ và gia đình, bây giờ em đã 40 tuổi rồi, nhưng cũng đã xảy ra biết bao nhiêu lần gãy xương.
"Em tên là Nguyễn Tiến Hoán. Em đến từ Hà Tĩnh. Khi ở nhà em nghĩ tại sao chị Thương không đi lại được mà vẫn xây dựng được một cơ sở như thế. Và sau khi ra đây em đã hiểu được điều đó bởi chị ấy rất giỏi và thông minh. Chị ấy bị bệnh như vậy mà vẫn kiên cường và nghị lực, là động lực cho chúng em. Chị vẫn nói với chúng em là phải kiên trì, nhẫn nại và quyết tâm. Em mong ước sau này có thể làm được như chị".
Ví như hồi bé, các bạn đến chơi cùng và đùa nhau vô tình xô vào em - em cũng gãy xương. Rồi khi em nhờ em trai lấy cho cái khăn, em ấy ném và em giơ tay ra đỡ - cũng gãy xương tay. Nó kêu rắc một cái, và sau đó thì không thể nhấc tay lên được. Rất là đau, em chỉ biết nằm bất động một chỗ, tới 5-6 tháng sau mới khỏi hẳn. Có lúc mẹ em bế em lên khỏi chỗ em nằm, hằn lên cả hình em nằm trên vạt chiếu, bởi vì khi ấy em có xê dịch được đâu, cũng không thể đưa em sang chỗ khác để lau rửa hay bế đi bó bột. Đau lắm".
"Thực sự cũng có những lúc em nghĩ quá sâu về cuộc sống của mình, và cũng có đợt bị khủng hoảng. Em nhìn thấy mọi người ai cũng xinh đẹp và lành lặn, em cứ tưởng mình cũng giống như vậy. Hôm đó bất chợt em nhìn qua cái gương trên cánh tủ ở nhà, và nhìn thấy toàn bộ cơ thể của mình. Em giật mình và không nghĩ mình như vậy. Khủng hoảng luôn. Ôi đây là mình sao? Không, không phải là mình. Đến khi em động tay động chân thì hình ảnh trong gương cũng cử động như vậy. Khi đó em xác định được đây đúng là mình rồi, và em còn nghĩ rằng đây chỉ là giấc mơ thôi. Nhưng cuối cùng khi đã bình tĩnh lại thì em biết rằng không phải mơ đâu. Đây đúng là mình. Cũng may cảm giác khủng hoảng đó chỉ diễn ra trong vòng 1 ngày, sau đó em lấy lại được thăng bằng. Phải chấp nhận sự thực thôi".
Nụ cười luôn thường trực trên môi cô gái bé nhỏ mà nghị lực phi thường |
"Em tên là Nguyễn Thị Hải Quỳnh, đến từ Nam Định. Em ở đây từ tháng 9/2017, là người làm ở đây lâu nhất. Em đã coi xưởng này như gia đình thứ 2 của mình rồi. Em không thể rời nơi đây được. Chỉ mong sao công việc được thuận lợi hơn, mong chị Thương và các anh chị em trong gia đình này thật nhiều sức khỏe để cùng nhau gánh vác công việc".
"Em muốn mình có một gia đình riêng như bao người khác để cùng chia sẻ công việc với em, san sẻ cuộc sống cùng em, và có một người bạn để chuyện trò thì sẽ rất vui. Nhưng em cũng hiểu rằng mỗi người một số phận. Không phải là chỉ mình em mà biết bao nhiêu người khỏe mạnh bình thường khác cũng chưa có gia đình, nên em thấy không có gì nặng nề lắm về việc đó. Em tìm cho mình niềm vui như hát, hay nghe nhạc, hoặc tìm một cái gì đó để học hỏi, để mình lấp đầy khoảng thời gian trống. Em rất thích hát nên đã lập nhóm Thương Thương hát vì người bệnh, em cùng các bạn tình nguyện viên lên phố Tràng Tiền để hát quyên góp tiền ủng hộ các bệnh nhân. Đó cũng là cách để mình đỡ cô đơn".
"Ban đầu em học nghề, em thấy nghề thủ công rất phù hợp cho người khuyết tật. Em đã học nhiều nghề để xem với tình trạng khuyết tật của bạn này, bạn kia thì sẽ phù hợp với nghề gì, và sở thích của bạn ấy nữa. Và em đã học đan len, làm cúc áo, học móc, và làm tranh cuốn giấy... Nhưng sau một thời gian, em chọn tranh cuốn giấy vì nó đáp ứng thị trường rất tốt, và cũng phù hợp với nhiều bạn nữa".
Bảo Trang, Mai Phương