(VOV5) - Tháng 8 năm 2012, khi Ja Na ra tù, trở về quê hương, ông quyết tâm gạt bỏ quá khứ, xây dựng cuộc sống mới.
Ít ai có thể tin rằng một người từng theo tổ chức phản động Fulro chống phá nhà nước nhưng nay đã hoàn lương và trở thành người có uy tín, đóng góp tích cực cho cộng đồng ở địa phương. Đó là ông Bome, ở làng Rai, xã Hà Bầu, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai.
Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
Ông Bome (tên gọi thân mật là Ja Na), người dân tộc Bana, sinh năm 1957. Tháng 2 năm 2001, nghe theo lời xúi giục của tổ chức phản động Fulro, Bome cùng một số đối tượng kích động hàng ngàn người dân tộc thiểu số lên thành phố Pleiku biểu tình gây bạo loạn, đòi thành lập cái gọi là “Nhà nước Đề Ga” - Nhà nước tự trị của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Kẻ đứng sau vụ bạo loạn này là Ksor Kơk, đối tượng cầm đầu tổ chức phản động Fulro sống lưu vong ở Mỹ.
Bằng công nhận gia đình văn hóa của gia đình ông Bome. |
Nhận bản án 12 năm tù cho tội “Phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc”, ông Bome ăn năn về lỗi lầm quá khứ của mình: “Tôi rất hối hận đã làm ra những điều không hay, hối hận cũng muộn màng rồi. Bây giờ không muốn liên quan đến Fulro nữa. Fulro ảo tưởng thành lập một nhà nước riêng. Fulro lừa dối, nhà nước đối xử với người Kinh và người dân tộc đều bình đẳng như nhau. Tôi mong muốn vận động, khuyên nhủ bà con thấy rõ mưu đồ của bọn xấu, đừng nghe những gì người ta nói phải nhìn thực tế, bởi vì cuộc sống ngày nay tốt đẹp hơn trước đây nhiều.”
Tháng 8 năm 2012, khi Ja Na ra tù, trở về quê hương, ông quyết tâm gạt bỏ quá khứ, xây dựng cuộc sống mới. Ông tự mày mò, học hỏi kinh nghiệm làm nông của bà con trong làng, để trồng lúa, cafe, tiêu, nuôi cá, gia súc, gia cầm.... Từ hai bàn tay trắng, nhờ chăm chỉ, chịu khó làm ăn nên cuộc sống gia đình ông sớm ổn định và ngày càng cải thiện. Có năm gia đình ông thu nhập gần 150 triệu đồng.
Đoàn cán bộ tới thăm tặng quà ông Bome. |
Chính quyền địa phương luôn thăm hỏi, động viên, quan tâm giúp đỡ gia đình ông. Ông Nguyễn Hữu Thọ, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Đăk Đoa, cho biết: “Ja Na là người cầm đầu Fulro ở Tây Nguyên. Khi ông đi tù nhưng các con ông vẫn được học đại học, sau khi học xong có công ăn việc làm ổn định, địa phương tạo điều kiện cho cháu vay vốn ngân hàng chính sách. Khi ông về, địa phương thường xuyên thăm hỏi, động viên, tạo điều kiện cho ông khôi phục kinh tế gia đình, cải tạo vườn phát triển chăn nuôi. Ông nhìn nhận được sai sót. Lâu nay ông sống rất hòa đồng với bà con, tham gia tích cực vào công tác xã hội ở địa phương.”
Hiện nay, ông Bome vay vốn ngân hàng phát triển nông nghiệp nông thôn 100 triệu đồng để mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Mô hình kinh tế gia đình ông được là mô hình điển hình trong buôn làng, được nhiều hộ trong xã Hà Bầu học tập, nhân rộng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, Bome còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Những năm qua, chính quyền địa phương cùng ông Bome tổ chức nhiều buổi nói chuyện ở các buôn làng, tuyên truyền cho bà con về chủ trương, đường lối chính sách của Nhà nước.
Ông Bome làm vườn. |
Nhờ đó, giúp bà con rũ bỏ ảo vọng về cái gọi là “Nhà nước Đề Ga tự trị của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên”, vạch trần âm mưu, thủ đoạn thâm độc chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của tổ chức phản động Fulro. Ông Đinh Ơng, Trưởng Ban dân vận, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam huyện Đăk Đoa, kể: “Hơn ai hết tôi hiểu rõ ông Bome vì lúc ông về nhà, tôi làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hà Bầu. Hiện tại ông chấp hành rất tốt chính sách địa phương, hòa đồng với bà con. Ông chịu khó làm ăn, vận động bà con nhân dân góp tiền làm đường. Ông tính quyết đoán trong công tác vận động, am hiểu luật, nên thuyết phục được bà con.”
Năm 2013, gia đình ông Bome được Ủy ban nhân dân xã Hà Bầu công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Với ông, quê hương thanh bình, đời sống người dân cải thiện, đi lên, là ước mong chân thành của ông."Tôi là người Việt Nam thì phải yêu nước Việt Nam, làm sao đưa đất nước mình phát triển mạnh hơn để sánh với các nước khác. Tôi tin chắc chắn như vậy. Tây Nguyên trong tương lai sẽ phát triển mạnh hơn. Tính Gia Lai có điều thuận lợi là con đường giao thương giữa Việt Nam, Lào, Capuchia. Cho nên riêng tỉnh Gia Lai có thể phát triển nhanh hơn. Đường xá tiện lợi cũng như mạch máu con người thôi thông đều thì con người khỏe mạnh. Tôi nghĩ kinh tế cũng thế."
Lối sống giản dị, cần cù, gương mẫu nên uy tín của ông Bome trong buôn làng rất cao. Ông cũng là tấm gương để những người lầm đường lạc lối quay đầu hoàn lương, cùng nhau đoàn kết, xây dựng buôn làng ấm no, hạnh phúc.