Cựu chiến binh Trần Văn Xuất và những ký ức về Trường Sa

(VOV5) - Đã gần 30 năm tạm biệt Trường Sa Đông, một đảo thuộc quần đảo Trường Sa nhưng chưa có một phút giây nào cựu chiến binh Trần Văn Xuất thấy mình  xa nơi ấy. Trường Sa Đông đã lưu giữ quãng đời tuổi trẻ của ông bên cạnh những đồng đội thân yêu. Vì thế mà sau bao năm xuất ngũ, cựu chiến binh Trần Văn Xuất quyết định xây dựng mô phỏng cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa Đông tại khuôn viên gia đình, tuyên truyền cho người dân, các em học sinh và khách du lịch về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đây cũng là cách ông kết nối với nhiều đồng đội mất liên lạc từ lâu. 

Cựu chiến binh Trần Văn Xuất và những ký ức về Trường Sa - ảnh 1
Cựu chiến binh Trần Văn Xuất

Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Tôi gặp cựu chiến binh Trần Văn Xuất trong một chuyến đi có thể nói là đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm báo của mình. Con tàu HQ571 rẽ sóng ra khơi, đưa đoàn công tác ra thăm các đảo chìm, đảo nổi ở quần đảo Trường Sa trong đó có đảo Trường Sa Đông. Hơn 10 ngày ở Trường Sa Đông nhưng phải đến gần cuối cuộc hành trình tôi mới được biết thông tin về một cựu chiến binh trở lại thăm quần đảo này. Điều đó khiến tôi vừa ngạc nhiên vừa tò mò.

Với bất cứ ai đến thăm Trường Sa Đông cảm xúc đều đong đầy thì với một người như cựu chiến binh Trần Văn Xuất cảm xúc ấy có lẽ còn đặc biệt hơn rất nhiều. Gặp ông, nhận thấy ông là một người trầm tĩnh và kiệm lời; tuy nhiên khi nhắc đến Trường Sa, đặc biệt là đảo Trường Sa Đông nơi ông đóng quân, cựu chiến binh Trần Văn Xuất như trở thành một con người khác hẳn, hoạt bát và nhiệt thành trong từng câu nói. Cho đến bây giờ, ông vẫn còn nhớ như in ngày 10 tháng 5 năm 1984 lần đầu tiên đặt chân lên đảo Trường Sa Đông. Vẫn còn nguyên đó cái cảm giác rạo rực, lâng lâng của một chàng lính trẻ nhận lệnh công tác nơi hải đảo xa xôi. Ông Trần Văn Xuất chia sẻ:
“Khi nhận lệnh đi đảo là điều không bất ngờ đối với tôi. Tàu chạy hai ngày hai đêm vào Trường Sa lớn 2 tiếng đồng hồ; khi trao đổi lính xong thì chúng tôi tiếp tục hành quân, khoảng 4 tiếng đồng hồ sau, khoảng 1h chiều ngày 10/5/1984, tôi tới đảo Trường Sa Đông. Bây giờ có rất nhiều thay đổi nhưng giai đoạn đó thì vật chất hay những vấn đề về đời sống thì còn quá nhiều khó khăn đối với những người lính đảo nhưng chúng tôi được hưởng những tình cảm đồng chí, đồng đội. Chúng tôi sống trên đảo có 30, 31 người. Với một người lính từng sống trên đảo khi trở về người ta không bao giờ quên nhau, nó như máu mủ, ruột thịt”. 

Trong dòng ký ức của người cựu chiến binh này, những khó khăn trong thời gian ở đảo Trường Sa Đông ít được nhắc tới bởi nó chỉ là một phần rất nhỏ trong cuộc sống mà những người lính phải tôi luyện. Thiếu nước ngọt đã đành, rau xanh cũng thiếu trong từng bữa ăn, đó còn chưa kể tới những lúc sức khỏe của đồng đội nguy kịch không thể vận chuyển về đất liền cứu chữa, ông lại thấy xót xa trong lòng. Nhưng quãng thời gian ở Trường Sa Đông cũng cho ông những kỷ niệm không bao giờ phai nhạt. Cựu chiến binh Trần Văn Xuất nhớ lại: đó là vào một ngày cuối năm đảo đón tàu ra trao quà tết. Khi đang làm nhiệm vụ, bỗng có một người đàn ông sức vóc cao lớn đến bên ông trò chuyện, hỏi thăm về cuộc sống cũng như tâm tư nguyện vọng của những người lính đảo. Rồi bằng cử chỉ thân tình, người đàn ông ấy vỗ nhẹ lên vai ông, nói: “Đảng, chính phủ và quân đội sẽ không bao giờ quên công lao của các cậu”. Ông Xuất lấy làm thắc mắc lắm, ngỡ đó là thuyền trưởng của tầu nhưng sau này đảo trưởng cho biết người đàn ông đó chính là Tư lệnh Giáp Văn Cương. Ông Xuất vô cùng cảm động trước câu nói giản dị và ân tình của vị tướng. Câu nói ấy đã theo ông suốt những năm tháng sau này.

Khi rời quân ngũ, trong một phút giây nào đó, cựu chiến binh Trần Văn Xuất có thể nhãng đi trong nỗi nhớ của mình, nhưng rồi bất cứ lúc nào hình ảnh đồng đội lại ùa về. Chính điều đó đã thôi thúc ông tìm lại đồng đội.Tính từ năm 2005 đến nay, cựu chiến binh Trần Văn Xuất đã lặn lội từ bắc chí nam và tìm gặp được 25 người. Là đồng đội với cựu chiến binh Trần Văn Xuất ở đảo Trường Sa Đông, ông Nguyễn Đắc Hiếu ra quân năm 1986 rồi lên Đắc Lắc lập nghiệp, kể từ đó ông Hiếu mất hẳn liên lạc với đồng đội. Ông không thể ngờ rằng sau bao nhiêu năm sau lại có thể gặp lại cựu chiến binh Trần Văn Xuất. Ông Nguyễn Đắc Hiếu chia sẻ: 
“Anh Xuất là người rất có tâm và có tình với đồng chí, đồng đội. Anh đi tìm, kết nối những người bạn là lính đảo. Tôi là người được anh Xuất tìm cuối cùng, cảm giác gặp lại nhau sau 27 năm xa cách với những tình cảm đồng chí, đồng đội giống như ở ngoài hòn đảo xa xôi, ôm nhau khóc như anh em ruột vì cứ nghĩ rằng sau khi mình ra quân rồi vì mình sẽ không còn cơ hội để gặp lại đồng đội cũ nữa. Sau khi anh Xuất kết nối được một số anh em, anh có thành lập các ban liên lạc ở các tỉnh, từ đó bọn tôi cũng nhờ anh Xuất hỗ trợ. Anh Xuất là một tấm gương, anh rất rộng lượng, dám hi sinh vì anh em, đồng đội”.

Người Việt Nam có câu: “một nắm khi đói bằng một gói khi no”, trong hoàn cảnh này, nhiều khi vật chất chẳng thể sánh bằng tấm thịnh tình của đồng đội dành cho nhau. Chính cách hành xử đẹp đẽ của những cựu binh ở Đảo Trường Sa Đông khiến cho những bạn trẻ như Hồ Thị Anh Hào, hiện là sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, thật sự xúc động:
 “Em thấy tình cảm của chú Xuất với đồng đội rất gắn bó. Chú Xuất đã mất liên lạc với đồng đội cũ lâu năm rồi nhưng khi mà có điều kiện thì chú Xuất vẫn tìm kiếm, liên lạc để tìm gặp lại đồng đội cũ. Lúc gặp lại rồi chú Xuất tạo điều kiện để giúp đỡ cho họ”.

Cựu chiến binh Trần Văn Xuất xây cột mốc Trường Sa Đông ngay trong khuôn viên gia đình. Lý do ông xây dựng cột mốc chủ quyền này vì ông luôn tự hào mình là một cựu chiến binh Trường Sa đồng thời hy vọng đây là cách giúp ông tìm lại bạn bè vẫn bặt vô âm tín. Giờ thì cột mốc chủ quyền Trường Sa Đông khiến nhiều người có dịp đi qua quận Ngũ Hành Sơn phải tò mò ghé thăm. Hiện nó đã trở thành một nơi giáo dục về truyền thống yêu nước cho các bạn trẻ của thành phố Đà Nẵng, và các đoàn khách du lịch nước ngoài khi nghe câu chuyện ông cũng rất ngưỡng mộ về tình yêu đất nước của người Việt Nam.

Trong ánh mắt của cựu chiến binh Trần Văn Xuất giờ đây ánh lên niềm vui của một người được chứng kiến Trường Sa Đông đang lớn mạnh từng ngày. Trường Sa Đông luôn kiên cường và vững chãi, Trường Sa Đông luôn ở trong trái tim những người như cựu chiến binh Trần Văn Xuất và trong trái tim của mỗi người Việt Nam./.

Phản hồi

Za

Chú Như Hải có thể liên hệ với chú Xuất: 090 350 3459. Cháu là pv TH Quân đội, đã từng... Xem thêm

nguyễn như hải

anh Xuất tôi rất vui khi nhân ra được anh. tôi là Nguyễn Như Hải ra đảo tháng 4/1984. quê tôi còn có Cao Văn Hướng, Nguyễn... Xem thêm

Các tin/bài khác