Ngày khánh thành cầu Phú Lộc có lẽ là ngày vui nhất của người dân thôn Phú Lộc, xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
Ngay từ sáng sớm, ai nấy ăn mặc gọn gàng đi dự lễ. Anh Nguyễn Tất Dũng - “Chủ đầu tư dự án xây dựng cầu phao bắc qua sông” đọc bản báo cáo gần 2 trang giấy viết tay, nói về những ý tưởng xây cầu mang đầy tính nhân văn.
Đó là nỗi trăn trở của một người con sinh ra và lớn lên ở vùng ngập lụt thôn Phú Lộc, hằng ngày phải chứng kiến cảnh trẻ em đi học trên chiếc cầu tre lắt leo với bao hiểm nguy rình rập; cảnh bà con thôn xóm ra đồng bị trượt ngã xuống sông.
|
Người dân được đi trên cây cầu phao an toàn (Ảnh: Dân trí)
|
Thế rồi, sau hơn 2 tháng trời miệt mài, tỉ mẫn, bất kể ngày mưa hay nắng, anh Dũng hì hục hàn sắt, gắn phao, bắt cáp, đóng ván.. cho đến khi cây cầu thành hình trong niềm vui, sự thán phục của nhiều người.
Ông Nguyễn Đình Xuân người thôn Phú Lộc xúc động: “Điều kiện kinh tế của anh Dũng rất khó khăn. Tiền làm cầu là số tiền ảnh anh dành dụm để xây nhà. Anh giúp dân có chiếc cầu để đi lại”.
Cây cầu phao do anh Nguyễn Tất Dũng đầu tư xây dựng có mặt cầu làm bằng ván gỗ dài gần 80m, rộng 2m, bắc ngang sông bằng 146 chiếc thùng phuy, tải trọng gần 1 tấn.
Cầu còn có cửa để ghe thuyền qua lại mỗi ngày. Tất cả đều hình thành từ đôi bàn tay, sự tính toán của anh nông dân gần tuổi 40 này.
Anh Nguyễn Tất Dũng tâm sự: “Cái khó của mình là ít vốn liếng. Nhờ tinh thần của bà con trong làng mà tui mạnh dạn quyết tâm và đã làm được”.
Đoạn sông Vu Gia cắt các thôn Phú Lộc, Nghĩa Nam của 2 xã: Đại An, Đại Cường, huyện Đại Lộc giờ trở nên tấp nập hơn mọi khi.
|
Anh Nguyễn Tất Dũng đứng trên cây cầu phao của mình vừa khánh thành
(Ảnh: Dân trí)
|
Từ nay, bà con ở các thôn và hàng trăm học sinh đã có thể yên tâm qua lại trên cây cầu phao mới vừa hoàn tất sau hơn 2 tháng thi công.
Ông Huỳnh Sáu - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đại An cho biết: “Để phát triển sản xuất đòi hỏi phải làm cầu, nhưng cái khó là nguồn vốn nên nhiều năm nay chúng tôi không thể làm được. Với một cá nhân tự làm như thế này, tôi nghĩ hết sức ý nghĩa, trân trọng”.
Tấm lòng của anh nông dân Nguyễn Tất Dũng khi đem hết tiền dành dụm làm cầu phao cho dân đi, gây cảm động nhiều người.
Đã có không ít tấm lòng nhân ái ở Hà Nội, TPHCM, những người con của huyện Đại Lộc sống xa quê gửi tặng cho thôn vài chục triệu đồng, như để góp thêm sợi dây cáp, mấy tấm ván gỗ cho nhịp cầu thêm vững./.